- Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết nền kinh tế toàn cầu có thể đối mặt với một cuộc suy thoái vào năm tới do làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ đến từ các Ngân hàng Trung ương trên toàn thế giới.
WB: Thắt chặt chính sách tiền tệ “quá tay” sẽ đẩy kinh tế vào suy thoái (Ảnh minh họa) |
Theo kết quả nghiên cứu của WB, các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đang rút lại những giải pháp hỗ trợ tiền tệ cũng như tài khóa với tốc độ nhanh nhất trong khoảng 50 năm trở lại đây.
Điều này vô tình tạo ra những tác động không thể lường trước được đối với hệ thống tài chính, đồng thời trầm trọng hóa triển vọng tăng trưởng toàn cầu.
Giới đầu tư kỳ vọng các Ngân hàng Trung ương sẽ tăng lãi suất trung bình lên gần 4% trong năm tới, gấp đôi so với năm 2021. Thậm chí, lãi suất có thể tăng lên ngưỡng 6% nếu như các Ngân hàng Trung ương nỗ lực tìm cách đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu của mình, theo nội dung báo cáo.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới ước tính, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 sẽ giảm còn 0,5% và giảm 0,4% tính theo thu nhập bình quân đầu người. Đáng chú ý, con số này đã “thỏa mãn” điều kiện của một cuộc suy thoái kỹ thuật.
Chủ tịch WB David Malpass cho hay: “Các nhà hoạch định chính sách có thể chuyển trọng tâm từ kéo giảm tiêu dùng sang thúc đẩy hoạt động sản xuất. Chính sách nên được định hướng nhằm mục tiêu gia tăng đầu tư, cải thiện năng suất và hiệu quả phân bổ vốn, những động lực quan trọng giúp tạo ra tăng trưởng và giảm đói nghèo”.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, nghiên cứu của các nhà kinh tế Ngân hàng Thế giới Justin-Damien Guenette, M. Ayhan Kose và Naotaka Sugawara cho thấy, có nhiều cách để các Ngân hàng Trung ương tiếp tục nỗ lực kiểm soát lạm phát mà không gây ra suy thoái toàn cầu.
Một là, các Ngân hàng Trung ương cần truyền đạt đúng, minh bạch về định hướng chính sách cho người dân. Ngân hàng Trung ương các quốc gia phát triển nên ghi nhớ rằng quyết định chính sách của họ sẽ có tác động lan tỏa trong khi các nền kinh tế mới nổi cần gia tăng dự trữ ngoại hối và ban hành các chính sách giúp ổn định tình hình kinh tế vĩ mô.
Hai là, những biện pháp hỗ trợ tài khóa cần được lược bỏ một cách thận trọng. Song song đó, tính nhất quán đối với các mục tiêu chính sách tiền tệ cần được đảm bảo.
Số lượng các quốc gia siết chính sách tài khóa trong năm tới được dự báo chạm ngưỡng cao nhất kể từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, làm gia tăng tác động tiêu cực tới tăng trưởng. Các nhà hoạch định chính sách cần xây dựng các kế hoạch tài khóa trung hạn, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội.
Ba là, các quốc gia cần đồng lòng trong cuộc chiến chống lạm phát thông qua các giải pháp cải thiện nguồn cung hàng hóa và dịch vụ trên phạm vi toàn cầu.