- Nhiều quốc gia phát triển đang phải đối mặt với những ảnh hưởng tiêu cực từ đà tăng giá của đồng USD theo đúng cách mà các nền kinh tế mới nổi đã trải qua trước đây.
“Nỗi đau” khi đồng USD tăng giá “lan truyền” từ kinh tế mới nổi sang các quốc gia phát triển |
Được thúc đẩy bởi chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ nhất của Cục Dự trữ Liên bang trong nhiều năm qua, đồng USD liên tục mạnh lên và đẩy các đồng tiền chủ chốt khác đi xuống. Điều này sẽ làm gia tăng chi phí hàng hóa nhập khẩu cũng như hạn chế các điều kiện tài chính và “châm ngòi” lạm phát tại nhiều quốc gia.
Không những thế, những tác động trên sẽ vô tình gia tăng áp lực lên các Ngân hàng Trung ương trên toàn thế giới trong việc nâng lãi suất, đặc biệt là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Bên cạnh đó, lãi suất tăng cao cũng làm hạ nhiệt thị trường bất động sản ở nhiều quốc gia như Úc, Canada và New Zealand.
Thế nhưng, tính đến hiện tại, khả năng đồng USD giảm giá tương đối hạn chế, có nghĩa rằng việc áp lực mất giá của một loạt các đồng tiền khác sẽ không sớm suy giảm.
Maurice Obstfeld, Chuyên gia cao cấp tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson, cho hay: “Đồng USD mạnh lên bắt nguồn từ triển vọng lãi suất trung và dài hạn tại Mỹ tăng cao, hoặc nền kinh tế toàn cầu gặp khó và đồng bạc xanh trở thành hầm trú ẩn an toàn. Điều kiện tài chính bị thắt chặt hơn khiến các nền kinh tế phát triển đi chậm lại”.
Chỉ số đồng USD của Fed tăng 10% trong năm nay, mức tăng mạnh nhất kể từ 2022. Trong khi đó, các đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi chỉ tăng 3,7% và thấp hơn so với đỉnh ghi nhận trong năm 2020, thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát.
Từ khi Fed tuyên bố theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt khoảng một năm về trước, đồng tiền của các quốc gia phát triển bắt đầu bước vào một giai đoạn suy yếu nghiêm trọng không khác gì tại các nền kinh tế mới nổi.
Theo thống kê của Bloomberg, 4 quốc gia phát triển góp mặt trong danh sách 10 quốc gia có đồng tiền đồng tiền giảm giá mạnh nhất, trong khi đó, chỉ có Canada góp mặt trong nhóm các đồng tiền giảm giá ít nhất.
Ảnh minh họa |
Đối với các Ngân hàng Trung ương như ECB, khi đồng tiền của họ được giao dịch nhiều nhất với đồng USD, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại khiến cho chính ngân hàng này nhận ra rằng, đồng tiền của họ lại chính là một điểm yếu khi góp phần đẩy lạm phát lên cao.
Nguyên nhân được cho bởi đồng USD được sử dụng phổ biến trong hoạt động giao dịch hàng hóa toàn cầu.
Isabel Schnabel, Ủy viên ủy ban điều hành ECB, cho hay: “Tôi có thể nói rằng, trong tình thế đối mặt với cú sốc năng lượng như hiện nay, tỷ giá hối đoái đóng vai trò quan trọng hơn rất nhiều”.
Tương tự đối với Nhật Bản khi tỷ giá đồng Yên hiện giảm xuống còn khoảng 143 JPY đổi 1 USD, tiệm cận ngưỡng tỷ giá 146 từng được ghi nhận trong năm 1998. Đồng Yên suy yếu đẩy tăng xác suất lạm phát tại xứ sở mặt trời mọc sớm chạm ngưỡng 3%, cao gấp 1,5 lần mục tiêu.
Mối quan ngại lớn nhất đối với nhiều quốc gia tới từ việc các đợt tăng lãi suất là không đủ để ngăn cản đà giảm giá của các đồng tiền nội địa, vì nền kinh tế của họ không vững mạnh bằng Mỹ.
Sayuri Shirai, cựu Ủy viên điều hành Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) và hiện đang là Giáo sư kinh tế tại trường Đại học Keio chia sẻ quan điểm: “Chỉ bằng cách tăng lãi suất, các quốc gia không thể ngăn chặn đà giảm của đồng tiền nội địa”.
Tuy nhiên, có một kịch bản tích cực đối với các đồng tiền chủ chốt khác ngoài USD là Mỹ rơi vào suy thoái bởi khi đó Fed sẽ không quyết liệt thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng thời đẩy giá trị USD đi xuống.