- Sau khi Nga “khóa van” đường ống Nord Stream 1 sang châu Âu, thị trường chứng khoán châu lục này đã chứng kiến đà giảm phiên thứ 6 trong 7 ngày gần đây, đồng thời đồng Euro cũng “chìm” xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong 20 năm qua.
Nga ngừng cấp nguồn cung khí đốt, kinh tế châu Âu càng lao đao (Ảnh minh họa) |
Trong tình cảnh Tập đoàn Năng lượng Gazprom của Nga thông báo ngừng vô thời hạn hoạt động của đường ống Nord Stream 1, mối lo ngại về giá cả năng lượng nhảy vọt, tỷ giá EUR/USD lần đầu tiên giảm xuống dưới mức thấp nhất trong vòng 20 đổ lại đây trong phiên hôm qua (5/9).
Cụ thể, đồng Euro đã giảm xuống mức 1 Euro đổi được 0,9880 USD, đánh dấu ngưỡng thấp nhất kể từ năm 2002.
Điểm chuẩn Stoxx 600 trên thị trường chứng khoán châu Âu giảm 1,7%, dẫn đầu xu hướng này là nhóm cổ phiếu các ngành sản xuất ô tô và hóa chất. Chỉ số DAX của Đức và FTSE MIB của Ý đều giảm hơn 2%; trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm đã vượt mốc 3,1 điểm cơ bản.
Piet Philip Christiansen, chiến lược gia cấp cao tại Ngân hàng Danske ở Copenhagen, cho biết, việc ngừng vận chuyển khí đốt sang châu Âu của Nga “là một đòn giáng đối với triển vọng kinh tế châu Âu, khiến đồng Euro suy yếu trong thời gian tới do những rủi ro liên quan đến quản lý”.
Ảnh minh họa |
Cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt Ukraine, động thái này đã đẩy giá hàng hóa lên mức cao đáng kể. Hơn nữa, sự kiện này cũng đẩy giá trị đồng Euro lên ngang giá so với đồng USD vào tháng trước, lần đầu tiên sau hai thập kỷ.
Bên cạnh đó, những áp lực mới về nguồn cung năng lượng trước mùa đông có nguy cơ gây thêm lực cản cho nền kinh tế châu lục này, và điều này buộc ECB phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.
Ngày càng có nhiều kỳ vọng về việc ECB sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào thứ Năm tới. Quyết định nâng lãi suất vẫn là thách thức lớn khi Giám đốc ECB Christine Lagarde và các quan chức khác đang cố gắng cân bằng lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Trước những dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề, ngày 4/9, Đức đã công bố kế hoạch gói cứu trợ trị giá khoảng 65 tỷ Euro (tương đương 65 tỷ USD), trong khi Phần Lan cho biết họ sẽ ổn định thị trường điện với chương trình hỗ trợ 10 tỷ USD.
Tương tự, Thụy Điển hôm 3/9 cũng công bố khoản hỗ trợ khẩn cấp trị giá 23 tỷ USD khi nước này đang tìm cách đối đầu với một cuộc khủng hoảng tài chính quy mô rộng hơn.