- Khi các nhà hoạch định chính sách liên tục “chạy đua” trong “cuộc chiến” thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa, tăng trưởng kinh tế toàn cầu lại đang phát đi tín hiệu “cấp cứu” nhằm “nhắc nhở” mọi người về sự phục hồi thực sự của kinh tế.
Kinh tế toàn cầu gửi tín hiệu “cấp cứu” (Ảnh minh họa) |
Cụ thể, trong tình hình hiện tại, một số dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế toàn cầu dường như đang bị ngó lơ khi mọi sự chú ý đều đổ dồn vào mục tiêu kéo giảm lạm phát.
Nhiều Ngân hàng Trung ương nói rằng, cách tốt nhất để bảo vệ nền kinh tế là kiềm chế đà tăng của giá cả hàng hóa thông qua các đợt tăng lãi suất mạnh tay. Thậm chí, họ lấy trường hợp chính sách chính sách lãi suất được nới lỏng quá sớm khiến lạm phát trở nên đình trệ vào những năm 70 làm bài học nhãn tiền.
Tuần qua, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc chậm lại trong tháng 8, đồng thời nhập khẩu tăng trưởng chưa tới 1%.
Hơn nữa, mặc dù chính sách “zero-COVID” được coi là cứng nhắc và khiến tăng trưởng quốc gia này không thể bứt phá nhưng chúng ta cũng cần nhìn nhận rõ ràng rằng, ngay cả khi Thượng Hải cùng nhiều trung tâm đô thị lớn bị phong tỏa vài tháng trước, thương mại vẫn là điểm sáng của nền kinh tế thứ hai thế giới.
Có thể thấy, điểm mấu chốt ở đây là “làn sóng” thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu, tác động không nhỏ tới hoạt động kinh tế của Trung Quốc.
Ngoài Trung Quốc, các cường quốc ở châu Á cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức do tăng trưởng toàn cầu suy yếu. Chỉ số Quản lý thu mua (PMI) tại Hàn Quốc và Nhật Bản cho thấy hoạt động sản xuất tại các quốc gia này đang trong xu hướng suy giảm hoặc tăng trưởng chậm lại.
Ảnh minh họa |
Tương tự đối với khu vực châu Âu, theo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), GDP của khu vực này có thể giảm 0,9% trong năm 2023 và rủi ro của một cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông sắp tới sẽ khiến cho xác suất xảy ra viễn cảnh trên không ngừng tăng cao.
Thế nhưng, điều đó là chưa đủ để khiến ECB từ bỏ những bước tăng lãi suất lớn trong thời gian tới, đặc biệt sau khi cơ quan này tăng lãi suất 0,75% trong cuộc họp vừa qua.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell vẫn giữ vững quan điểm “diều hâu” của mình khi ông tuyên bố phải “thẳng thắn, mạnh mẽ” nâng lãi suất, nhằm kéo lạm phát về ngưỡng mục tiêu.
Phát biểu của ông trong vài tuần gần đây không chỉ củng cố khả năng Fed tăng lãi suất thêm 0,75% trong kỳ họp tuần tới mà thậm chí khiến cho thị trường lo lắng hơn về một khả năng tăng lãi suất 1% của cơ quan này.
Ở chiều ngược lại, Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard thừa nhận việc nâng lãi suất là “một con dao hai lưỡi”.Chia sẻ trong một cuộc họp được tổ chức tại New York, bà cho hay: “Việc siết chặt chính sách một cách quá vội vã trong khi tác động từ quá trình này tới nhu cầu thị trường thường có độ trễ nhất định vô tình hình thành rủi ro chúng ta thực hiện quá trình này một cách quá mức”.
Không những thế, Bộ trường Tài chính Mỹ Janet Yellen thời còn giữ chức Chủ tịch Fed đã phát biểu, “tăng trưởng kinh tế đã chết” sau khi Fed tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập kỷ vào năm 2015.