- VnMedia xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 24/8, bao gồm: HDB, PNJ, FRT.
Cổ phiếu được khuyến nghị ngày 24/8: HDB, PNJ, FRT |
Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu HDB với giá mục tiêu 35.900 đồng/cp
CTCK VNDirect - VND
Tổng thu nhập hoạt động Q2/22 của Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank, HOSE - Mã: HDB) tăng trưởng 31% svck nhờ thu nhập lãi thuần tăng 31,2% svck (tăng trưởng tín dụng 17,4% svck và NIM mở rộng 45 điểm cơ bản). Thu nhập ngoài lãi cũng ghi nhận tăng trưởng tốt 31,2% svck dựa trên mức tăng 54% của thu nhập từ phí. Chi phí trích lập dự phòng tăng 61% svck, dẫn đến LN Q2/22 tăng 34% svck lên 2.079 tỷ đồng, theo đó LN 6T22 đạt 3.998 tỷ đồng (+28,3% svck) – hoàn thành 53% dự phóng cả năm của VND.
Bối cảnh tăng trưởng tín dụng hạn chế dưới áp lực lạm phát, và việc giám sát dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã là động lực để HDB tiếp tục đẩy mạnh chiến lược cho vay bán lẻ cốt lõi (cho vay hộ gia đình, nông nghiệp, v.v) và tài chính tiêu dùng để tối ưu lợi suất tài sản và NIM. Mặc dù tài sản sinh lời chỉ tăng 1,8% so với đầu năm cho đến cuối Q2/22, cho vay khách hàng ghi nhận tăng mạnh 17% (cho vay bán lẻ +21%, chiếm 48% tổng cho vay).
Thực tế, lợi suất tài sản của HDB đã cải thiện 64 điểm cơ bản từ đầu năm, giúp NIM đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 4,9%. Bất chấp bối cảnh lãi suất huy động tăng từ nửa cuối năm nay trở đi, VND tin rằng, HDB vẫn có khả năng để duy trì NIM cao nhờ việc tiếp tục mở rộng cho vay đến các khu vực nông thôn, nơi còn nhiều dư địa để phát triển.
Nhờ bảng cân đối kế toán lành mạnh với cho vay phù hợp như đã nói ở trên, tỷ trọng TPDN thấp (2% trong tổng dư nợ tín dụng) và hệ số CAR cao (15% cuối Q2/22 so với mức trung bình ngành 12%), dự báo tăng trưởng tín dụng của HDB sẽ đạt 20%/19% trong 2022-23 (dự báo trước là 22%/20%), sau khi đã tăng 14,8% trong 6T22. NIM dự kiến ở mức tương đương năm 2021 là 4,4%, cao hơn dự báo trước đó là 4,3%. Chi phí dự phòng sẽ tăng 20,4%/18,4% svck (tỷ lệ chi phí tín dụng là 1,2%, ngang mức cuối năm 2021). Nhìn chung, VND ước tính tăng trưởng LN ròng của HDB sẽ đạt 26%/24% trong 2022-23.
Theo đó, VND duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu không đổi 35.900 đồng/cp. Việc thị trường điều chỉnh mạnh vừa qua đã đưa HDB về mức định giá hấp dẫn là 1,4 lần P/B năm 2022, tiệm cận mức -1SD bất chấp nền tảng cơ bản vững chắc và tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Rủi ro giảm giá bao gồm lạm phát cao hơn dự kiến và nợ xấu tăng đột biến; tiềm năng tăng giá sẽ là hợp đồng bảo hiểm được ký kết thành công và việc ngân hàng tham gia vào chương trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém.
Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu PNJ với giá mục tiêu 141.000 đồng/CP
CTCK Bảo Việt - BVSC
Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ – sàn HOSE) đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ tháng 7/2022 mạnh mẽ, với doanh thu thuần tăng mạnh 413,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 2.511 tỷ đồng; trong khi lợi nhuận ròng vững chắc ở mức 79 tỷ đồng, từ mức lỗ 32 tỷ đồng trong tháng 7/2021 trước tác động từ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của PNJ lần lượt đạt 20,7 nghìn tỷ đồng (tăng 70,8% so với cùng kỳ năm ngoái) và 1.167 tỷ đồng (tăng trưởng 65,5%), hoàn thành 68,1%/ 60,0% dự báo tương ứng cho 2022 của chúng tôi.
Do kết quả kinh doanh tháng 7 tương đối sát với kỳ vọng của BVSC, chúng tôi duy trì dự báo lợi nhuận ròng 2022 đạt 1.945 tỷ đồng (tăng 82% so với năm trước). Ở mức giá hiện tại, PNJ đang giao dịch tại mức P/E 2022 là 14,0x so với mức trung bình 5 năm là 17,9x.
Chúng tôi ưa thích PNJ với: (1) Giá trị thương hiệu hàng đầu, (2) vị thế vượt trội để hưởng lợi từ quá trình hợp nhất đang diễn ra của ngành và tầng lớp trung lưu và giàu có đang tăng trưởng nhanh tại Việt Nam; và (3) tác động hạn chế từ lạm phát. Duy trì khuyến nghị Outperform với giá mục tiêu (TP) là 141.000 đồng/CP (Upside: 22,8%).
Ảnh minh họa |
Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu FRT
CTCK SSI - SSI
Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT – sàn HOSE) đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 6,2 nghìn tỷ đồng (tăng 43% so với cùng kỳ) và 47 tỷ đồng (tăng 55% so với cùng kỳ) trong quý II/2022.
Tăng trưởng lợi nhuận chậm lại so với quý 1/2022 (tăng 448% so với cùng kỳ), do doanh thu thuốc và doanh thu máy tính xách tay bình thường trở lại sau khi đạt mức cao bất thường trong quý IV/2021 và quý I/2022.
Do quá trình bình thường hóa tiếp tục diễn ra trong 6 tháng cuối năm, chúng tôi ước tính lợi nhuận 6 tháng cuối năm sẽ giảm 12% so với cùng kỳ. Do đó, lợi nhuận ròng năm 2022 ước tính đạt 549 tỷ đồng (tăng 24% so với cùng kỳ).
Năm 2023, chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế tăng 15% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế của FPT Shop và hệ thống nhà thuốc Long Châu lần lượt tăng 10% và 43% so với cùng kỳ (lợi nhuận trước thuế tăng từ 112 tỷ đồng năm 2022 lên 160 tỷ đồng năm 2023).
Về dài hạn, tăng trưởng lợi nhuận của FRT sẽ được thúc đẩy bởi chuỗi nhà thuốc Long Châu, trong khi tăng trưởng lợi nhuận của FPT Shop có thể duy trì ở mức 10%.
Chúng tôi kỳ vọng chuỗi nhà thuốc hiện đại sẽ tiếp tục giành thị phần từ các nhà thuốc nhỏ. FRT đặt mục tiêu sẽ có 3.000 nhà thuốc Long Châu trong 5 năm tới, từ đó hỗ trợ tăng trưởng hơn nữa.
Giá mục tiêu của chúng tôi cho FRT là 91.500 đồng/cổ phiếu, dựa trên các chỉ tiêu tài chính năm 2023. Với tiềm năng tăng giá là 3,4% so với giá hiện tại, chúng tôi đưa ra khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu FRT.
Quan điểm ngắn hạn: Tăng trưởng lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm được dự báo sẽ chậm lại, do đó dẫn đến việc các nhà đầu tư tích cực chốt lời cổ phiếu.