- Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là một trong những loại thuế quan trọng liên quan trực tiếp đến tiền lương, tiền công của người lao động. Việc kê khai thuế Thu nhập cá nhân không hợp lý sẽ dẫn đến các khoản tiền phạt cho cơ quan thuế. Do đó người nộp thuế cần có những hiểu biết cơ bản về thuế thu nhập cá nhân và nghĩa vụ đóng thuế thu nhập cá nhân.
Hướng dẫn cách tính thuế thu nhập cá nhân
Quy định về thu nhập chịu thuế từ tiền lương tiền công, các khoản giảm trừ thu nhập chịu thuế TNCN được xác định theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013; Điều 11, Điều 12 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014; Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính, Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 02/6/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân
Thu nhập chịu thuế phải quyết toán năm 2022 là tổng thu nhập từ tiền lương tiền công mà cá nhân thực nhận từ 01/01/2022 đến 31/12/2022.
Khoản tiền thuê nhà, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do đơn vị sử dụng lao động trả thay tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả thay nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh (chưa bao gồm tiền thuê nhà, điện nước và dịch vụ kèm theo (nếu có)) tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập, không bao gồm: khoản lợi ích về nhà ở, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng để cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp; nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng tại khu kinh tế, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại đó.
Trường hợp cá nhân ở tại trụ sở làm việc thì thu nhập chịu thuế căn cứ vào tiền thuê nhà hoặc chi phí khấu hao, tiền điện, nước và các dịch vụ khác tính theo tỷ lệ giữa diện tích cá nhân sử dụng với diện tích trụ sở làm việc.
Các khoản phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế được tổng hợp tại Danh mục tổng hợp các khoản phụ cấp, trợ cấp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành làm cơ sở xác định thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công, ban hành tại công văn số 1381/TCT-TNCN ngày 24/4/2014 của Tổng Cục Thuế.
Thu nhập tính thuế bình quân tháng
Trường hợp cá nhân thuộc diện quyết toán thuế theo quy định thì thu nhập chịu thuế của năm là tổng thu nhập chịu thuế của từng tháng được xác định trên cơ sở thu nhập tính thuế đã quy đổi. Trường hợp cá nhân có thu nhập không bao gồm thuế từ nhiều tổ chức trả thu nhập thì thu nhập chịu thuế của năm là tổng thu nhập chịu thuế từng tháng tại các tổ chức trả thu nhập trong năm.
Trường hợp thu nhập cá nhân nhận được không bao gồm thuế TNCN thì phải thực hiện quy đổi theo hướng dẫn Khoản 4 Điều 7 Thông tư số 111/2013/TT-BTC và Điều 14 Thông tư số 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài Chính.
Việc quy đổi được thực hiện theo thu nhập thực nhận hàng tháng, khi quyết toán thuế TNCN, thu nhập tính thuế cả năm là tổng thu nhập chịu thuế của từng tháng được xác định trên cơ sở đã quy đổi theo thu nhập thực nhận từng tháng.
Khi thực hiện quyết toán thuế năm thì thu nhập tính thuế bình quân tháng được xác định bằng tổng thu nhập cả năm (12 tháng) trừ (-) tổng các khoản giảm trừ của cả năm sau đó chia cho 12 tháng.
Thu nhập tính thuế bình quân tháng |
= |
Tổng thu nhập chịu thuế |
- |
Tổng các khoản giảm trừ |
12 tháng |
Đối với cá nhân cư trú là người nước ngoài thì thời điểm bắt đầu tính thuế TNCN của cá nhân nước ngoài căn cứ vào ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam của cá nhân cho mục đích làm việc phát sinh thu nhập tại Việt Nam ghi trên hợp đồng hoặc văn bản cử sang làm việc tại Việt Nam.
Trường hợp cá nhân cư trú là công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định với Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập thì nghĩa vụ thuế TNCN được tính từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc Hợp đồng lao động và rời Việt Nam (được tính đủ theo tháng)
Quyết toán thuế thu nhập cá nhân như thế nào?
Quyết toán thuế thu nhập cá nhân là việc người nộp thuế kê khai để xác định số tiền thuế phải nộp của năm liền trước, từ đó xác định số tiền thuế còn thiếu hoặc nộp thừa để làm căn cứ hoàn thuế.
Theo Khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 quy định thời hạn quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho kỳ tính thuế 2022 như sau:
Thời hạn quyết toán thuế đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công chậm nhất là ngày 31/3/2023.
Thời hạn quyết toán thuế đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế chậm nhất là ngày 30/4/2023.
Quyết toán thuế thu nhập cá nhân bằng 2 cách cá nhân trực tiếp quyết toán thuế tại cơ quan thuế hoặc quyết toán thuế thu nhập cá nhân qua mạng.
Theo Thông tư 80/2021/TT-BTC quy định hồ sơ cá nhân trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế gồm các giấy tờ sau:
- Tờ khai quyết toán thuế theo mẫu 02/QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 80.
- Phụ lục bảng kê giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc theo mẫu 02-1/BK-QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 80.
- Bản chụp các chứng từ thuế chứng minh số thuế đã khấu trừ, đã tạm nộp trong năm, số thuế đã nộp ở nước ngoài (nếu có).
- Bản chụp các chứng từ chứng minh khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ khuyến học, quỹ nhân đạo (nếu có).
- Trường hợp cá nhân nhận thu nhập từ tổ chức quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán và nhận thu nhập từ nước ngoài thì phải có tài liệu chứng minh về số tiền đã trả của đơn vị, tổ chức trả thu nhập ở nước ngoài.
Quyết toán thuế thu nhập cá nhân qua mạng bằng cách truy cập hệ thống thuế điện tử của Tổng cục Thuế https://canhan.gdt.gov.vn/
Những trường hợp được miễn giảm thuế thu nhập cá nhân
Các trường hợp được giảm thuế thu nhập cá nhân gồm: Đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.
Theo khoản 1 Điều 46 Thông tư 156/2013/TT-BTC thì cơ quan thuế trực tiếp kiểm tra hồ sơ ra quyết định miễn thuế, giảm thuế thu nhập cá nhân, cụ thể hồ sơ miễn thuế, giảm thuế với từng trường hợp được quy định như sau:
Người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn phải có Văn bản đề nghị giảm thuế theo mẫu số 18/MGT-TNCN có xác nhận của chính quyền địa phương cấp xã nơi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn.
Biên bản xác định mức độ, giá trị thiệt hại về tài sản của cơ quan có thẩm quyền và có xác nhận của chính quyền địa phương cấp xã nơi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn theo mẫu số 02/MGTH; Cơ quan có thẩm quyền xác định mức độ, giá trị thiệt hại là cơ quan tài chính hoặc các cơ quan giám định xác định mức độ, giá trị thiệt hại về tài sản…
Chứng từ bồi thường của cơ quan bảo hiểm (nếu có) hoặc thỏa thuận bồi thường của người gây hỏa hoạn (nếu có). Các chứng từ chi liên quan trực tiếp đến việc khắc phục thiên tai, hỏa hoạn. Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân (nếu thuộc đối tượng phải quyết toán thuế).
Người nộp thuế gặp khó khăn do bị tai nạn phải có Văn bản đề nghị giảm thuế theo mẫu số 18/MGT-TNCN. Văn bản hoặc biên bản xác nhận tai nạn có xác nhận của cơ quan công an hoặc xác nhận mức độ thương tật của cơ quan y tế.
Giấy tờ xác định việc bồi thường của cơ quan bảo hiểm hoặc thỏa thuận bồi thường của người gây tai nạn (nếu có). Các chứng từ chi liên quan trực tiếp đến việc khắc phục tai nạn. Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân (nếu thuộc đối tượng phải quyết toán thuế).
Đối với người nộp thuế mắc bệnh hiểm nghèo để miễn thuế, giảm thuế TNCN cần có Văn bản đề nghị giảm thuế theo mẫu số 18/MGT-TNCN. Bản chụp hồ sơ bệnh án hoặc sổ khám bệnh. Các chứng từ chứng minh chi phí khám chữa bệnh do cơ quan y tế cấp; hoặc hóa đơn mua thuốc chữa bệnh kèm theo đơn thuốc của bác sỹ. Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân (nếu thuộc đối tượng phải quyết toán thuế).
Văn bản đề nghị giảm thuế TNCN mẫu số 18/MGT-TNCN được ban hành kèm theo Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/02/2011 của Bộ Tài chính. (Tải Mẫu văn bản đề nghị giảm thuế TNCN tại đây (Đính kèm) )
Một số câu hỏi thường gặp về Thuế thu nhập cá nhân
Ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân có được không và điều kiện như thế nào?
Theo đó, cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập nếu thuộc các trường hợp sau:
Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện việc quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm dương lịch.
Trường hợp cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới do tổ chức cũ thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hoặc tổ chức cũ và tổ chức mới trong cùng một hệ thống thì cá nhân được ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức mới.
Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm dương lịch; đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.
Cá nhân là người nước ngoài kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam khai quyết toán thuế với cơ quan thuế trước khi xuất cảnh. Trường hợp cá nhân chưa làm thủ tục quyết toán thuế với cơ quan thuế thì thực hiện ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập hoặc tổ chức, cá nhân khác quyết toán thuế theo quy định về quyết toán thuế đối với cá nhân.
Trường hợp tổ chức trả thu nhập hoặc tổ chức, cá nhân khác nhận ủy quyền quyết toán thì phải chịu trách nhiệm về số thuế TNCN phải nộp thêm hoặc được hoàn trả số thuế nộp thừa của cá nhân.
Kể từ năm 2022, nếu thuộc đối tượng ủy quyền quyết toán thuế TNCN thì người nộp thế làm Giấy ủy quyền theo Mẫu 08/UQ-QTT-TNCN (Tải Mẫu giấy ủy quyền tại đây (Đính kèm)) ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC.