- Sự phát triển của thương mại điện tử trên toàn cầu đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), nhận ra cơ hội tiếp cận những khách hàng ở cách xa hàng nghìn dặm.
Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã có xuất phát điểm là nhà bán lẻ toàn cầu nhờ vào sự phát triển của của các nền tảng thương mại điện tử, nhưng những thách thức mà các doanh nghiệp nước ngoài này phải đối mặt khi tham gia vào một số thị trường lớn như Trung Quốc và Nhật Bản cũng cần được đáng lưu ý.
Theo Salil Chari, Phó Chủ tịch Cấp cao, Mảng Tiếp thị và Trải nghiệm Khách hàng của FedEx tại Châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc và Nhật Bản đều sở hữu hệ sinh thái thương mại điện tử xuyên biên giới hoàn thiện. Đây là hai quốc gia có thị trường thương mại điện tử chiến lược quan trọng nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và được đánh giá là một trong những thị trường phức tạp nhất. Phần lớn các nhà bán lẻ trên toàn cầu đều mong muốn tận dụng cơ hội tiến vào những thị trường hàng đầu này. Tuy nhiên, hiểu rõđặc thù của thị trường địa phương là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài cho rằng ngôn ngữ là thách thức lớn nhất trong hành trình xây dựng một doanh nghiệp thương mại điện tử thành công tại mỗi thị thường. Đây là một quan niệm chưa hoàn toàn chính xác. Để xây dựng một mô hình doanh nghiệp bền vững, các nhà bán từ nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp SMEs, cần nắm bắt bối cảnh kỹ thuật số đặc trưng và sở thích của người tiêu dùng ở mỗi thị trường lớn.
Giống như khi doanh nghiệp truyền thống tiến vào một thị trường mới, các nhà bán lẻ trên nền tảng thương mại điện tử nước ngoài cũng cần nắm bắt bối cảnh kỹ thuật số của thị trường mục tiêu, từ đó xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp. Ví dụ, người tiêu dùng ở Trung Quốc phân bố không đồng đều trên cả nước theo đặc điểm địa lý.
Lượng khách mua hàng thương mại điện tử xuyên biên giới tại miền Đông và miền Nam Trung Quốc chiếm hơn 50%, trong đó có khoảng 30% sinh sống tại bốn thành phố lớn: Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến. Do đó, thay vì cố gắng phủ sóng toàn bộ thị trường này, các nhà bán lẻ trên nền tảng thương mại điện tử quốc tế nên ưu tiên khu vực đô thị và tìm thời điểm thích hợp để mở rộng sang các khu vực khác.
Những thị trường đầy hứa hẹn cùng với lượng người tiêu dùng khổng lồ cũng đồng nghĩa với sự cạnh tranh gay gắt, đặc biệt là từ các thương hiệu địa phương đang chiếm lĩnh thị trường. Các thương hiệu nước ngoài cần xác định vị thế của đối thủ cạnh tranh lớn nhất tại địa phương và lĩnh vực còn chưa được khai thác để đưa ra những đánh giá chính xác. Chẳng hạn như, tại Nhật Bản, ngành thời trangđược xem là ngành có tính cạnh tranh cao với nhiều lĩnh vực mà các thương hiệu Nhật Bản đang dẫn đầu trên toàn cầu.
Nhiều thương hiệu quốc tế cho rằng các nền tảng và sàn giao dịch quốc tế có trụ sở tại Mỹ như Amazon và eBay là những kênh hiệu quả. Tuy nhiên, những nền tảng này có thể không phổ biến bằng các nền tảng bản địa tương tự trên từng thị trường. Chẳng hạn như Taobao và JD Worldwide ở Trung Quốc, hay Rakuten ở Nhật Bản là những cái nền tảng quen thuộc hơn.
Cùng với đó, sở thích của người tiêu dùng ở mỗi thị trường sẽ có sự khác biệt và các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản thường có những quy luật riêng. Ví dụ, mùa các hoạt động thương mại điện tử sôi động nhất tại Trung Quốc là Ngày Độc Thân (11/11) và Ngày Cặp Đôi (12/12); các mùa mua sắm cao điểm ở Nhật Bản là năm mới, dịp giữa năm và cuối năm. Các nhà bán quốc tế trên nền tảng thương mại điện tử cần lên kế hoạch cho các chiến dịch marketing của mình trước những thời điểm quan trọng này.
Một chiến lược marketing được thiết kế phù hợp rất quan trọng để thu hút khách hàng và đáp ứng được những sở thích riêng biệt của họ. Các doanh nghiệp nước ngoài cần đảm bảo rằng, bên cạnh các trang thông tin doanh nghiệp dành cho thị trường quốc tế, sự hiện diện của công ty cũng cần được phủ sóng trên các kênh truyền thông xã hội hàng đầu tại địa phương ở mỗi thị trường. Các thương hiệu nhắm vào thị trường Trung Quốc cần xuất hiện trên WeChat và TikTok cũng như làm quen với các chương trình khuyến mãi trên livestream.
Ở Nhật Bản, mặc dù tỉ lệ người sử dụng các mạng xã hội Mỹ như Facebook và Instagram tương đối cao hơn, nhưng việc xây dưng thương hiệu trên các kênh địa phương vẫn rất cần thiết để tăng khả năng thu hút khách hàng tại các thị trường mục tiêu, chẳng hạn như Line ở Nhật Bản.
Các hệ thống thanh toán địa phương cũng là một yếu tố quan trọng cần chú ý trong trải nghiệm khách hàng. Thẻ tín dụng quốc tế có thể không phổ biến hoặc tiện dụng tại những thị trường này. WeChat Pay và Alipay thống lĩnh thị trường Trung Quốc và thậm chí nhiều khách hàng Trung Quốc không sở hữu bất kỳ thẻ tín dụng quốc tế nào. Ở Nhật Bản, thẻ tín dụng là phương thức thanh toán thông dụng và thẻ tín dụng JCB phổ biến hơn các mạng lưới thanh toán khác. Các doanh nghiệp nước ngoài cần thiết lập các kênh thương mại điện tử của mình để cung cấp nhiều phương thức thanh toán phổ biến cho người tiêu dùng địa phương.
Các kênh kỹ thuật số góp phần giảm bớt các rào cản cho các doanh nghiệp khi gia nhập thị trường mới, nhưng những chiến lược kinh doanh tốt nhất cần được dựa trên những hiểu biết sâu sắc về thị trường địa phương. Tìm kiếm nguồn khách hàng mới trên thị trường quốc tế là một hướng tiếp cận thông minh cho các doanh nghiệp SMEs muốn thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tuy nhiên, chiến lược này cần được hỗ trợ bởi một đối tác đáng tin cậy ở các thị trường nước ngoài.
Được biết, FedEx đã tích hợp hoàn toàn hệ sinh thái thương mại điện tử của Trung Quốc và Nhật Bản, cùng với vốn hiểu biết sâu sắc về địa phương được xây dựng dựa trên các hoạt động kinh doanh hàng thập kỷ qua, một phần quan trọng của trải nghiệm thương mại điện tử. Nhờ vào nguồn kinh nghiệm lâu năm, FedEx đã phát triển những bộ tài liệu hướng dẫn, nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp đang hướng tới Trung Quốc và Nhật Bản những hiểu biết cơ bản về các thị trường này.
Phạm Lê