- Giao dịch cổ phiếu chip của Mỹ hôm qua (18/7) đã có biến động với chỉ số bán dẫn Philadelphia cố gắng đóng cửa ở mức cao hơn sau khi sụt giảm vào thứ Tư (17/7) với sự đóng góp lớn nhất từ một số đối thủ nặng ký như Nvidia và Broadcom.
Các cổ phiếu chip ở châu Á đã bị bán tháo trước đó trong ngày hôm qua sau khi có báo cáo cho rằng Mỹ đang xem xét các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn đối với việc xuất khẩu công nghệ chip tiên tiến sang Trung Quốc.
Bloomberg News đã đưa tin rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc một biện pháp được gọi là quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài, cho phép Mỹ ngăn chặn việc bán một sản phẩm nếu nó được sản xuất bằng công nghệ Mỹ.
Sau báo cáo, quỹ giao dịch trao đổi Global X Asia Semiconductor đóng cửa giảm 1,74% trong ngày hôm qua với sự sụt giảm của các cổ phiếu chính bao gồm SK Hynix, Tokyo Electron, Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) và Samsung Electronics.
Chỉ số bán dẫn Philadelphia đã giảm 6,8% hôm 17/7 trong ngày hoạt động yếu nhất của chỉ số này kể từ tháng 3 năm 2020. Chỉ số này đã mở cửa tăng 1,7% vào ngày hôm qua trước khi giảm hơn 1% ở mức thấp nhất trong ngày và sau đó tăng 0,5% ở phiên đóng cửa. Mức tăng lớn nhất của nó là từ Broadcom, tăng 2,9% và Nvidia tăng 2,6%.
Các mức tăng trên đã giúp bù đắp sự sụt giảm của các cổ phiếu như Advanced Micro Devices – cổ phiếu này đóng cửa giảm 2,2% sau khi giảm hơn 10% vào ngày 17/7, trong đợt bán tháo lớn nhất kể từ tháng 10 năm 2022.
Một số nhà phân tích cho rằng đợt bán tháo hôm thứ Tư (17/7) là một tín hiệu để săn giá hời. Nhà phân tích Vedvati Shrotre tại Evercore ISI đã viết rằng khả năng ngắn hạn các biện pháp hạn chế thương mại sẽ được thực hiện là thấp và chỉ ra “sự sụt giảm trong ngắn hạn là một cơ hội mua duy nhất”. Ngoài ra, nhà phân tích Vivek Arya tại Bofa còn trích dẫn sự biến động hiện tại là “cơ hội tốt ở những công ty có khả năng sinh lời tốt nhất”.
Tuy nhiên, ông Daniel Morgan - giám đốc danh mục đầu tư tại Synovus Trust dự đoán sẽ có nhiều biến động hơn với lợi nhuận của các công ty chip trong những tuần tới và cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ - ông Donald Trump và ông Joe Biden, đều sẽ “có đường lối cứng rắn” trong thương mại.
“Những gì bạn đang thấy là mua vào khi giá sụt giảm và sau đó các nhà đầu tư nhận ra rằng đây sẽ là mối lo ngại thường xuyên khi chúng ta bước vào mùa báo cáo, rằng các công ty có mức độ bán hàng cao ở Trung Quốc có thể bị tổn thương,” ông Morgan làm việc ở trụ sở tại Atlanta, Georgia cho biết.
Ông Daniel Morgan chỉ ra sự sụt giảm giá gần 11% trong cổ phiếu của ASML hôm thứ Tư để minh họa những lo lắng về các công ty chip có sự tiếp xúc lớn với Trung Quốc. Ông Morgan cho biết, các nhà đầu tư đã bỏ qua kết quả khả quan của ASML, nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip máy tính lớn nhất, vì gần một nửa doanh số bán hàng của công ty này đến từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Morgan lưu ý rằng các nhà đầu tư cũng từng lo lắng không kém về khả năng ông Trump thực hiện thuế quan khi ông còn là Tổng thống nhưng "các công ty sản xuất chip vẫn tồn tại và hoạt động rất tốt kể từ đó".
Ông Gene Goldman, giám đốc đầu tư của Cetera Investment Management, El Segundo, CA, cho biết một số biến động trong ngày hôm qua có thể là do nhà đầu tư lo ngại rằng ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đưa ra bình luận về thương mại trong một bài phát biểu dự kiến diễn ra vào cuối ngày.
Theo ông Goldman, “ông Trump có thể đề xuất nhiều mức thuế hơn, đây là mối lo ngại của các công ty công nghệ”.
TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đã phải chịu áp lực từ những phát biểu của ông Trump khi ông này hồi đầu tuần đã nói rằng Đài Loan “chiếm khoảng 100% hoạt động kinh doanh chip của chúng ta” và vùng lãnh thổ này phải trả tiền cho Mỹ để bảo vệ họ.
TSMC hôm qua đã cho thấy một số mức giảm lớn nhất ở châu Á, làm mất giá trị thị trường 1,7 nghìn tỷ Đài tệ (52,1 tỷ USD) trong hai ngày. Nhưng cổ phiếu giao dịch tại Mỹ của nhà sản xuất này đã đóng cửa tăng 0,4% vào ngày hôm qua. Điều này có thể đã giúp TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, nâng dự báo doanh thu cả năm vào ngày hôm qua do nhu cầu về chip liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng tăng.
Tại châu Âu, cổ phiếu ASML đã đóng cửa giảm 3,6% tại châu Âu vào ngày hôm qua trong khi cổ phiếu niêm yết tại Mỹ kết thúc giảm 0,9%.
Tại châu Á, nhà sản xuất chip nhớ SK Hynix của Hàn Quốc cũng giảm 3,6% trong khi Tokyo Electron của Nhật Bản giảm 8,75%.