- Ngành khách sạn Hà Nội đang phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 với lượng khách du lịch tăng cao, công suất thuê và giá phòng đều theo xu hướng tích cực. Nguồn cung khách sạn dự kiến tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới, đặc biệt là phân khúc 5 sao và khu vực nội thành.
Theo Báo cáo Tổng quan Thị trường Q2/2024 của Savills Việt Nam, ngành khách sạn tại thị trường Hà Nội có nguồn cung ổn định với 11.120 phòng từ 67 dự án. Trong đó, nguồn cung khách sạn 5 sao tăng 3% và nguồn cung khách sạn 4 sao giảm 7% theo quý. Nguyên nhân do dự án Movenpick Living West, trước là Eastin Hotel & Residences, đã chuyển từ 4 sao lên 5 sao. Điều này cho thấy sự phát triển và nhu cầu với phân khúc khách sạn cao cấp ở Hà Nội đang tăng trưởng tích cực, trong khi nguồn cung 4 sao giảm có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của du khách có thu nhập trung bình.
Thị trường khách sạn Hà Nội trong Q2/2024 cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực với công suất thuê tăng. Nếu trong Q1/2024, công suất thuê ngành khách sạn đạt 65%, tăng 1 điểm % theo quý, thì trong Q2/2024, công suất thuê đạt 67%, tăng 2 điểm % theo quý và 3 điểm % theo năm.
Đánh giá tổng quan về nguyên nhân tạo ra những chuyển biến tích cực của ngành khách sạn tại thủ đô, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, nhận định: “Ngành du lịch đang phục hồi mạnh mẽ hơn khi lượng khách quốc tế bắt đầu tăng trở lại. Bên cạnh đó, hoạt động MICE (hội thảo, hội nghị, họp, triển lãm) tại các thành phố cũng diễn biến khá tích cực. Đây là một xu hướng khả quan trong bối cảnh kinh tế vĩ mô và chính trị ổn định. Bối cảnh tích cực này tác động mạnh mẽ đến sự tăng trưởng của ngành khách sạn trên cả nước và tại Hà Nội”.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón 8,8 triệu lượt du khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 58% theo năm và 4% so với cùng kỳ năm 2019.
Ảnh minh họa |
Cũng trong thời gian này, Hà Nội đón 14 triệu lượt khách, tăng 13,7% theo năm. Trong đó, du khách nội địa đạt 10,9 triệu, tăng 6% theo năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng khách du lịch thủ đô. Du khách quốc tế dù chỉ chiếm 3,1 triệu lượt, nhưng ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ với tỷ lệ 52,6% theo năm. Theo dữ liệu Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, các thị trường khách quốc tế lớn nhất gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật, Mỹ, Campuchia, Ấn Độ, Thái Lan, Australia, Malaisia.
Riêng trong tháng 6/2024, theo số liệu từ Sở Du lịch Hà Nội, tổng khách du lịch đến thủ đô ước đạt 2,49 triệu lượt, tăng 12,5% so với cùng kì năm 2023. Trong đó khách du lịch quốc tế đạt khoảng 496 nghìn lượt khách, tăng từ 55,9% so với cùng kì năm trước. Cũng trong tháng 6/2024, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước tính đạt 66%, tăng 1,3% so với tháng 5/2024, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Với sự gia tăng về lượng khách du lịch, tổng doanh thu từ du lịch đạt 55,4 nghìn tỷ đồng, tăng 23% theo năm. Như vậy sau nửa năm, Hà Nội đã đạt 52% mục tiêu số lượng khách và 51% mục tiêu doanh thu du lịch cho năm 2024.
Những con số tích cực kể trên đến từ nỗ lực trong việc quảng bá và xây dựng sản phẩm du lịch khai thác giá trị văn hóa đặc sắc của Hà Nội. Vốn nổi tiếng với sự giàu có về di sản văn hoá và lịch sử, Hà Nội luôn được du khách quốc tế và trong nước đánh giá là điểm đến bậc nhất trong các điểm đến du lịch của cả nước và có thể xứng tầm cạnh tranh toàn cầu. Hà Nội cũng chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, tăng cường truyền thông quảng bá và các yếu tố quan trọng khác để thu hút đầu tư và khách du lịch. Nhờ đó, Hà Nội đang dần khẳng định vị thế dẫn đầu trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế.
Điển hình, trong Q2/2024, Sở Du lịch Hà Nội đã ra mắt "Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội" và điểm đến du lịch cộng đồng tại Ba Vì. Hà Nội cũng cùng với các địa phương khác phát triển các tuyến du lịch liên kết, như tuyến du lịch văn hóa tâm linh Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình và tuyến khám phá Sơn La - Lào Cai - Lai Châu.
Ngoài phát triển du lịch văn hóa, Sở Du lịch Hà Nội hướng đến tích cực tổ chức một số chương trình, nội dung, hình thức nhằm tiếp tục đẩy mạnh, phát triển các sản phẩm du lịch là thế mạnh của Hà Nội như du lịch ẩm thực, MICE, du lịch chăm sóc sức khoẻ…
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tích cực phát triển các chương trình kích cầu du lịch nội địa. Điều này phản ánh trực tiếp lên giá thuê khách sạn 4-5 sao tại Hà Nội. Nhiều khách sạn 4-5 sao ở Hà Nội đang áp dụng các chính sách ưu đãi hấp dẫn, bao gồm giảm giá phòng, combo dịch vụ lưu trú - ăn uống - tiệc trà - gala, combo phòng nghỉ - hội thảo - xe đưa đón, combo ăn uống - bơi lội, và voucher giảm giá cho các dịch vụ khác.
Theo Báo cáo Thị trường Q2/2024 của Savills, trung bình giá thuê khách sạn Hà Nội giảm 7% theo quý nhưng tăng 11% theo năm. Giá thuê trung bình các dự án 4 sao và 5 sao góp phần vào xu hướng này với mức giảm 6 điểm % theo quý và tăng 9 điểm % theo năm. Ngành du lịch phát triển tác động tích cực đến giá thuê, song các chương trình kích cầu du lịch và sự ảnh hưởng của yếu tố thời điểm cũng đang tạo nên mức giá thuê hấp dẫn cho du khách.
Trước những chuyển biến và nhu cầu tích cực từ thị trường, ông Matthew đánh giá nguồn cung ngành khách sạn dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng. Một dự án mới sẽ đi vào hoạt động trong năm 2024, cung cấp 207 phòng khách sạn 5 sao. Trong năm 2025-2026, dự kiến có nguồn cung mới 2.689 phòng từ 12 dự án. Tám dự án 5 sao cung cấp 74%, trong khi các dự án 4 sao sẽ cung cấp 26% nguồn cung mới trong hai năm này. Cùng với đó, 60% nguồn cung mới nằm ở khu vực Nội thành, với 1.732 phòng từ tám dự án. Các đơn vị vận hành quốc tế và nội địa có tỷ lệ nguồn cung tương đương nhau, lần lượt là 1.179 phòng và 1.177 phòng. Các đơn vị vận hành quốc tế của nguồn cung tương lai là các thương hiệu quen thuộc như Hilton, Fusion, Accor, và Four Seasons.
Trúc Dân