- Phát biểu tại Hội thảo "Công nghệ và chuyển đổi số trong ngành Logistics", TS. Phạm Long, Đại học Texas A&M – Corpus Christi, Mỹ đề nghị chú trọng đầu tư vào hạ tầng số; Huy động các tập đoàn CNTT xây dựng, chuyển giao các phần mềm logistics…
Trường Đại học Công nghệ GTVT vừa tổ chức Hội thảo "Công nghệ và chuyển đổi số trong ngành Logistics".
Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm kết nối các nhà khoa học, các nhà quản lý, các đơn vị, các giảng viên và sinh viên về tri thức hiện đại, kinh nghiệm phong phú và công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Từ đó tạo diễn đàn tư vấn, phản biện và hoạch định chính sách về phát triển dịch vụ và thu hút đầu tư trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng thông minh, bền vững.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ và chuyển đổi số đã và đang thay đổi mọi mặt của đời sống, trong đó có ngành logistics. Với vai trò là xương sống của nền kinh tế, logistics không chỉ là việc vận chuyển hàng hóa mà còn là một hệ thống phức hợp đòi hỏi sự tối ưu hóa và hiệu quả ở mức cao nhất.
Còn theo TS. Phạm Long, do nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng để phát triển ngành dịch vụ logistics. Tuy nhiên, ngành Logistics Việt Nam còn gặp phải nhiều rào cản, hạn chế về: công nghệ; về chi phí; về nhận thức và nhân lực.
Góp ý về giải pháp đối với cơ quan quản lý nhà nước, TS. Phạm Long, Đại học Texas A&M – Corpus Christi, Mỹ đề nghị chú trọng đầu tư vào hạ tầng số, đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu; Huy động các tập đoàn CNTT xây dựng, chuyển giao các phần mềm logistics cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam với giá ưu đãi; Nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics...
TS. Phạm Long, Đại học Texas A&M – Corpus Christi, Mỹ |
Về phía doanh nghiệp, TS Phạm Long cho rằng, các doanh nghiệp logistics nhỏ và siêu nhỏ, chưa có điều kiện đầu tư công nghệ hoặc hệ thống kho bãi cũng có thể tham gia vào các thị trường ngách, quy mô nhỏ, chủng loại hàng đơn giản để phục vụ các doanh nghiệp bán lẻ; việc lựa chọn mô hình chuyển đổi số cần được nghiên cứu tỉ mỉ và kỹ lưỡng...
Tại Hội thảo, NCS. Nguyễn Thị Dung, Khoa Kinh tế vận tải đã nhấn mạnh về các nhân tố ảnh hưởng chuyển đổi số của doanh nghiệp Logistics Việt Nam. Có thể kể đến, các yếu tố môi trường bên ngoài như: Sự phát triển môi trường công nghệ số; Đặc điểm phát triển ngành kinh doanh; Chính sách quản lý và hỗ trợ của nhà nước.
Các nhân tố môi trường bên trong doanh nghiệp gồm có: Mô hình kinh doanh và chiến lược chuyển đổi số; nguồn lực con người; Hạ tầng cơ sở vật chất và công nghệ; Thị hiếu của khách hàng; bảo mật thông tin; chi phí trong chuyển đổi số.
Chia sẻ tại chương trình, ông Phạm Văn Bách – Giám đốc Công ty TNHH Beazeni Việt Nam cho biết, Hạ tầng Logistics là hệ thống bao gồm cơ sở vật chất và các hệ thống hỗ trợ cần thiết để quản lý và điều phối các hoạt động vận chuyển, lưu trữ, và phân phối hàng hóa: Cơ sở hạ tầng giao thông; Kho bãi và trung tâm phân phối; Hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; Hạ tầng năng lượng.
Theo ông Bách, xu hướng ứng dụng công nghệ trong quản lý và vận hành hạ tầng logistics là: Mô phỏng và kiểm soát hoạt động; Minh bạch thông tin, kiểm soát chi phí - doanh thu; Xanh hoá, hướng tới phát triển bền vững; Mô phỏng đầu tư dự án cho hoạt động sales & marketing.