- Đối với các công trình đang thi công có vi phạm như quá tầng, phòng cháy, chữa cháy… thì cách tốt nhất để dừng lại là cắt điện, nước, không cho thi công”, Chủ tịch TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói khi nêu ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh |
Liên quan đến việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, chỉ còn một số vấn đề mang tính kỹ thuật cần hoàn thiện.
Trong đó, về áp dụng pháp luật, trường hợp chưa có quy định cụ thể mà việc áp dụng quy định đó cần thiết cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Chính phủ trên cơ sở đề xuất của UBND thành phố Hà Nội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Đặc biệt, đối với quy định được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố, Phó Thủ tướng Lê Thành Long bày tỏ thống nhất với việc sau khi chỉnh lý, quy định này được chuyển từ biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử lý vi phạm hành chính sang biện pháp quản lý hành chính.
Nêu ý kiến, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng vấn đề này “cực kỳ bức xúc” trong thực tiễn.
“Đối với các công trình đang thi công có vi phạm như quá tầng, không được thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy thì cách tốt nhất để dừng lại là cắt điện, nước, không cho thi công”, ông Trần Sỹ Thanh nói và đề nghị quy định trong Luật trên tinh thần giao cho thành phố Hà Nội quyền ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và người có thẩm quyền mới được ra quyết định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ ủng hộ quy định ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong dự thảo Luật, đồng thời đề nghị, cần quy định thành phố Hà Nội được quyền áp dụng một số biện pháp hành chính mạnh hơn trong trường hợp bất khả kháng để quản lý tốt hơn, thực hiện đúng các quy hoạch phát triển Thủ đô.