- Trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ bình quân từ 14 - 16% một năm, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm. Theo đánh giá của Agility năm 2023, Việt Nam nằm trong top 10 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.
Logistics Việt Nam có quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm giới thiệu Triển lãm Quốc tế logistics Việt Nam lần thứ 2 (VILOG 2024), ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Cũng theo ông Trần Thanh Hải, trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ bình quân từ 14 - 16% một năm, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên. Theo đánh giá của Agility năm 2023, Việt Nam nằm trong top 10 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.
“Đây là kết quả của những nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp dịch vụ logistics, của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics nói riêng cũng như nỗ lực cải thiện từ bản thân doanh nghiệp”, ông Trần Thanh Hải chia sẻ.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, hiện nay, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics. Cụ thể, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistics không ngừng được mở rộng với quy mô lớn, rộng khắp. Cùng với đó, các dịch vụ đi kèm đã, đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường. Các thủ tục, thời gian thông quan đối với hàng xuất khẩu cũng đã cải thiện đáng kể.
Ảnh minh họa |
Tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức 681 tỷ USD, bằng 158% GDP cả nước. Theo dự báo mới nhất của Standard Chartered, Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thương mại toàn cầu với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 618 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%.
Đặc biệt, thời gian gần đây đã có sự bùng nổ về thương mại điện tử và logistics cho thương mại điện tử. Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Với kết quả đó, Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (tính đến thời điểm hiện tại - theo Statista).
Vẫn còn nhiều điểm yếu
Bên cạnh những thuận lợi, ông Trần Thanh Hải cũng cho rằng, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài còn chưa đáng kể…
Tại buổi tọa đàm, ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cũng cho biết, cơ sở hạ tầng logistics hạn chế liên quan phương tiện vận chuyển và mạng lưới giao thông vận tải cũng là điểm nghẽn. Theo đó, chất lượng cơ sở hạ tầng hạn chế khiến ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai và hiệu quả thực hiện các giải pháp logistics xanh của doanh nghiệp.
Đồng thời, phát triển vận tải đa phương thức còn nhiều bất cập. Việt Nam mới chủ yếu phát triển vận tải bộ trong khi đây là loại hình chiếm tỷ trọng 85% lượng khí phát thải. Trong khi đó, vận tải đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không “gặp khó” do khổ đường, diện tích lòng sông, hay hạn chế chiều dài bến cảng…
“Hệ thống kho bãi cũng chưa theo kịp các nước, tỉ lệ hư hỏng hàng hoá còn cao hoặc chưa chú trọng sử dụng năng lượng tái tạo. Theo Báo cáo Logistics 2022, có tới 68,6% số doanh nghiệp trả lời chưa sử dụng năng lượng có khả năng tái tạo trong vận hành hoạt động kho tại doanh nghiệp hoặc chưa thuê kho có sử dụng năng lượng tái tạo”, ông Khoa chia sẻ.
Minh Ngọc