Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số phát triển ngành logistics

0
0

- Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam khẳng định, chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics là nhiệm vụ chiến lược, bắt buộc. Bởi ngành hàng hải, ngành hàng không đòi hỏi tính hội nhập cao và sự tuân thủ các quy định của quốc tế.

Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội thảo "Ứng dụng công nghệ để phát triển ngành Logistics và Thương mại điện tử bền vững".

Việt Nam đang là quốc gia có tỷ lệ người dân mua sắm thương mại điện tử cao

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, cùng với tiến trình hội nhập, sự phát triển của nền kinh tế, sự gia tăng của hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư cũng như việc thực hiện Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, ngành logistics Việt Nam cũng đạt được một số kết quả nhất định.

Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) năm 2023 đạt 3,3 điểm, đứng thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 trong các nước ASEAN, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ khá cao, đạt 14 - 16%/năm với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Việt Nam đang là quốc gia có tỷ lệ người dân mua sắm thương mại điện tử cao nhất Đông Nam Á (khoảng 43,9 triệu người), do vậy dịch vụ logistics đáp ứng cho nhu cầu ngành thương mại điện tử luôn là cần thiết. Hơn hết, xu hướng chuyển đổi số, thay đổi hành vi mua sắm và các yếu tố tác động khác đang đưa thương mại điện tử thành lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian vừa qua.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLBA), ngành Logistics tại Việt Nam chiếm tỷ trọng 20 - 25% GDP tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ, dự kiến tăng trưởng 12% mỗi năm trong tương lai gần. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử mang lại nhiều cơ hội hơn cho các công ty hậu cần. McKinsey ước tính, dịch vụ hậu cần theo hợp đồng chỉ chiếm hơn 20% thị phần phân phối đơn hàng của thị trường bán lẻ và hàng tiêu dùng toàn cầu. Phần còn lại của thị trường được chi phối bởi 3 đối tượng: Những gã “khổng lồ” thương mại điện tử, các công ty khởi nghiệp, hoặc dịch vụ hậu cần nội bộ của các thương hiệu.

 

Hiện nay, dịch vụ logistics đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của thương mại điện tử và nền kinh tế Việt Nam. Với 43,9 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dân mua sắm thương mại điện tử cao nhất Đông Nam Á, điều đó cho thấy nhu cầu giao hàng của ngành thương mại điện tử luôn luôn cần thiết.

Cũng theo đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 (theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ) là “Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng nhằm đạt chất lượng dịch vụ logistics cao hơn.” Cùng với đó, Chương trình Chuyển đổi Số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng nhấn mạnh logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên Chuyển đổi Số trước.

M&A là lối đi tắt mà các doanh nghiệp trong nước có thể vận dụng

Để phát triển bền vững theo ông Trần Thanh Hải, M&A (mua bán, sáp nhập) là lối đi tắt mà các doanh nghiệp trong nước có thể vận dụng, đồng thời giúp doanh nghiệp có thể phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, với phương pháp này doanh nghiệp Việt không có nhận biết và thay đổi kịp thời thì sẽ bị ảnh hưởng.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Cao Cẩm Linh - Trưởng Ban Nghiên cứu, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam, phương thức M&A không hề mới trên thế giới nhưng với Việt Nam lại khá mới mẻ. 

Bình luận về xu hướng M&A trong thời gian vừa qua và tác động đến lĩnh vực logistics, bà Linh đánh giá, hoạt động này của các doanh nghiệp trong nước đuối hơn doanh nghiệp nước ngoài. Nguyên nhân đến từ chuyên môn, kinh nghiệm thương thảo, đàm phán và ngay cả tỷ lệ góp vốn, tỷ lệ biểu quyết; việc bán 1 phần hay toàn phần sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp mình như thế nào.

Theo bà Linh, khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam việc đầu tiên họ nghĩ đến đó là hình thức M&A. “Các doanh nghiệp đang hoạt động tốt, hoạt động có tiềm năng tại Việt Nam, các doanh nghiệp nội địa chưa kịp lớn thì đã bị M&A”, bà Linh nói; đồng thời nêu nguyên nhân vì sao doanh nghiệp FDI muốn đầu tư vào Việt Nam theo hình thức M&A. Là do các doanh nghiệp đa quốc gia đã có kinh nghiệm cả về thất bại và thành công tại các thị trường khác. Khi vào thị trường Việt Nam, họ biết cần phải đầu tư, cần có thời gian để đào tạo, thích nghi với thị trường và khi đến một thời điểm nào đó thì sẽ tăng trưởng và thu lợi nhuận.

“Các doanh nghiệp trong nước gần như chưa có nhiều kinh nghiệm, đây là một trong những bất lợi. Xu hướng này còn diễn ra mạnh mẽ trong tương lai. Bởi với tốc độ phát triển như hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam dường như đang khoác 1 chiếc áo hơi rộng. Do đó, cần sự chuyên nghiệp đến từ doanh nghiệp FDI. Đây là một xu thế tất yếu”, bà Linh nhấn mạnh.

Liên quan đến câu chuyện phát triển xanh và bền vững bao trùm, trong đó có cả lĩnh vực logistics, TS. Lê Quang Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam đánh giá, khái niệm logistics phát triển bền vững, logistics xanh là khái niệm mới nhưng được nhắc đến nhiều. Logistics xanh không chỉ là xu hướng của thế giới mà là nhiệm vụ phải làm theo cam kết của Chính phủ tại COP 26, đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Để phát triển bền vững, logistics xanh, tức là cần xanh hóa trong các quy trình logistics, về vận tải, kho bãi, công nghệ, thương mại, trong đó có thương mại điện tử, quản trị, con người. 

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam khẳng định, chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics là nhiệm vụ chiến lược, bắt buộc. Bởi ngành hàng hải, ngành hàng không đòi hỏi tính hội nhập cao và sự tuân thủ các quy định của quốc tế. Đồng thời, ông cho biết, trong hệ thống cảng biển với các điều kiện khác nhau về phát triển thì chuyển đổi số là bài toán cần phải giải quyết ngay.

Yến Nhi


Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Những giọt nước mắt rơi khi xem Lễ truy điệu Tổng Bí thư tại Hội trường Thống Nhất

Trưa 26/7, tại Hội trường Thống Nhất, nhiều người dân sau khi đến viếng tại Hội trường Thống Nhất đã ở lại và xem trực tiếp Lễ truy điệu qua màn hình ti vi. Nhiều người dân đã không cầm được nước mắt trước những thông tin về Tổng Bí thư được cầu truyền hình trực tiếp từ Hà Nội.

Hình ảnh ngày thứ 2 Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

 Sáng 26/7, Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu từ 7 giờ đến 13 giờ tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội; Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà Đông Anh.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà Đông Anh, Hà Nội

(VnMedia) - Ngày 25/7, tại Nhà Văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể huyện Đông Anh tổ chức trọng thể Lễ viếng theo nghi thức Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.