- Theo số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, năm 2022 doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng (gần 130,57 tỷ USD), với số thuế đã nộp là 83 nghìn tỷ đồng; năm 2023 doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng (gần 146,28 tỷ USD), số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng.
Tổng cục Thống kê cho biết, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành lĩnh vực có ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia. Đối với Việt Nam, thị trường TMĐT ngày càng được mở rộng và với sự đa dạng về mô hình hoạt động, nhiều đối tượng tham gia, với sự tăng trưởng được đánh giá là nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á cũng đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với công tác quản lý thuế như: khả năng quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, áp dụng quản lý hiện đại, hiệu quả, phù hợp thông lệ quốc trên nguyên tắc quản lý tuân thủ theo rủi ro trên CSDL lớn về TMĐT được xây dựng từ CSDL quản lý thuế và CSDL về quản lý nhà nước đối với TMĐT từ các bộ, ngành có liên quan.
Trong thời gian vừa qua, Tổng cục Thuế đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT trong nước và xuyên biên giới.
Cũng theo Tổng cục Thếu, trong thời gian qua, ngành Thuế đã tiếp cận hoạt động TMĐT theo các nền tảng có hoạt động TMĐT để áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp bao gồm 08 nhóm nền tảng: Nền tảng Sàn giao dịch TMĐT; Website/ứng dụng TMĐT; Nền tảng MXH; Nền tảng giao thông, vận tải, giao nhận; Nền tảng đại lý; Nền tảng thuê bao; Nền tảng quảng cáo; Nền tảng kho ứng dụng.
Ngoài ra ngành Thuế cũng phân loại NNT tham gia hoạt động TMĐT theo 02 nhóm chính: Cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong trong nước (bao gồm: chủ sở hữu nền tảng có hoạt động TMĐT, Tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong nước thông qua sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội và các nền tảng khác); Cung cấp hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới (bao gồm: NCCNN không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam; Tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động đăng tải sản phẩm, nội dung thông tin số trên các nền tảng nước ngoài; Tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới thông qua sàn giao dịch TMĐT và các nền tảng khác).
Ảnh minh họa |
Số liệu quản lý thuế trong 02 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT như sau: năm 2022 doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng (gần 130,57 tỷ USD), với số thuế đã nộp là 83 nghìn tỷ đồng; Năm 2023 doanh thu quản lý là: 3,5 triệu tỷ đồng (gần 146,28 tỷ USD), số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng.
Tiếp tục rà soát và làm giàu cơ sở dữ liệu TMĐT
Theo Tổng cục Thống kê, chính sách pháp luật thuế và chính sách pháp luật chuyên ngành cần được củng cố, sửa đổi, bổ sung nhằm bao quát toàn bộ các hoạt động TMĐT, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT.
Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính tiếp tục triển khai các chương trình tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, truyền hình, …), tổ chức đối thoại trực tiếp với NNT, tổ chức đường dây nóng 24/7, thực hiện truyền thông qua các đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và các đơn vị tư vấn thuế lớn.
Ngoài ra, trong thời gian tới, nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến người nộp thuế có hoạt động kinh doanh TMĐT, TCT sẽ ban hành thư ngỏ gửi tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT về việc kê khai, nộp thuế nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức và tính tự giác trong việc chấp hành pháp luật thuế. Đồng thời, để tăng cường công tác quản lý thuế đối với các NCCNN, Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với sàn giao dịch TMĐT Việt Nam hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh thông qua sàn thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế trên Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế.
Liên quan đến củng cố cơ sở dữ liệu TMĐT và áp dụng quản lý theo rủi ro, Tổng cục Thuế cho biết, ngành Thuế tiếp tục rà soát và làm giàu cơ sở dữ liệu TMĐT từ các nguồn thông tin từ các bộ, ngành; từ các tổ chức kinh doanh trong hệ sinh thái TMĐT. Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, ngành Thuế tiếp tục tổ chức dữ liệu, phân tích rủi ro trong đó có sử dụng phương pháp học máy - áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo và triển khai các biện pháp quản lý thuế phù hợp theo từng đối tượng có hoạt động kinh doanh TMĐT theo nguyên tắc quản lý rủi ro.
Ngành Thuế tiếp tục triển khai hiện đại hóa công tác quản lý thu, nộp thuế đặc biệt đối với nhóm người nộp thuế là HKD, CNKD theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong việc thực hiện nghĩa vụ khai thuế, nộp thuế theo hình thức điện tử.
Yến Nhi