– Ngân hàng Thế giới dự báo, lạm phát sẽ tăng nhẹ từ mức bình quân 3,2% năm 2023 lên 3,5% vào năm 2024. Trong khi đó, lạm phát CPI sẽ chững lại còn 3% trong năm 2025 và 2026, dựa trên kỳ vọng giá năng lượng và nguyên liệu sẽ ổn đinh.
Ngân hàng Thế giới vừa công bố báo cáo Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn bản tháng 4 năm 2024.
TS. Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế cao cấp của WB tại Việt Nam khẳng định, bất chấp những khó khăn từ kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam đã có những tín hiệu phục hồi tích cực.
Theo TS. Dorsati, sau khi trải qua giai đoạn giảm tốc trong năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đang có một số tín hiệu phục hồi tích cực vào đầu năm 2024. Xuất khẩu đang phục hồi, tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước cũng trên đà tăng dần. Xuất khẩu theo giá so sánh dự kiến tăng 3,5% vào năm 2024, phản ánh nhu cầu toàn cầu dần cải thiện. Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản dự báo cũng sẽ phục hồi mạnh hơn vào cuối năm nay và năm sau, thúc đẩy nhu cầu trong nước khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng dần lấy lại niềm tin. Tổng đầu tư và tiêu dùng tư nhân theo giá so sánh dự kiến sẽ tăng tương ứng ở mức 5,5% và 5% trong năm 2024.
Theo báo cáo, từ những diễn biến tích cực trên của nền kinh tế trong quý đầu tiên của năm 2024, WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6% vào năm 2025. Lạm phát được dự báo sẽ tăng nhẹ từ mức bình quân 3,2% năm 2023 lên 3,5% trong năm 2024, chủ yếu do giá cả các mặt hàng được Nhà nước quản lý như giáo dục và y tế dự kiến sẽ tăng, đóng góp tương ứng 6,2% và 5,4% về trọng số cho giỏ hàng hóa tính CPI. Lạm phát CPI sẽ giảm còn 3,0% trong năm 2025 và 2026 do kỳ vọng về giá cả năng lượng và nguyên liệu sẽ ổn định.
Cũng theo báo cáo, do độ mở của nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu, yếu tố bất định chủ yếu do tăng trưởng toàn cầu có thể thấp hơn so với dự kiến, cụ thể là một số các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, và Trung Quốc. Những diễn biến như vậy có thể tác động đến quá trình phục hồi xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế tạo của Việt Nam, cũng như tăng trưởng và sản xuất công nghiệp.
Căng thẳng địa chính trị leo thang có thể ảnh hưởng đến kim ngạch và định hướng xuất khẩu. Nhìn vào trong nước, thị trường bất động sản có thể phục hồi lâu hơn dự kiến, ảnh hưởng xấu đến tâm lý của các nhà đầu tư, làm giảm đầu tư của khu vực tư nhân, là yếu tố quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa để củng cố sự phục hồi. Báo cáo khuyến nghị đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được tài trợ bởi nguồn lực công. Điều này sẽ giúp kích thích nền kinh tế hơn nữa, với tiềm năng tăng trưởng GDP là 0,1 điểm phần trăm cho mỗi mức tăng 1 điểm phần trăm trong đầu tư công tính theo tỷ lệ GDP.
Yến Nhi