- Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cho biết sau hội nghị thượng đỉnh ở Brussels hồi cuối tuần vừa rồi rằng EU sẽ tiếp tục "xem xét các phương án" để thu giữ các khoản lợi nhuận được tạo ra từ tài sản bị đóng băng của Nga để tài trợ cho Ukraine.
Phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD quỹ chính phủ của Nga kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra. Cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear có trụ sở tại Brussels nắm giữ khoảng 191 tỷ euro (205 tỷ USD) tiền và đã tích lũy gần 4,4 tỷ euro tiền lãi trong năm qua.
Lợi nhuận trên tài sản bị tịch thu của Nga ước tính sẽ đạt được mức 2-3 tỷ euro trong năm nay. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết đợt đầu tiên trị giá 1 tỷ euro (1,09 tỷ USD) có thể được giải ngân sớm nhất là vào tháng 7.
EU được cho là đang cố gắng đẩy nhanh quyết định tài trợ cho Kiev trong bối cảnh sự hỗ trợ từ Mỹ ngày càng suy yếu, nơi gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD cho Ukraine đã bị đình trệ tại Quốc hội Mỹ. Trong tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh mới đây, các nhà lãnh đạo EU đã chỉ thị cho các quan chức “khai thác tất cả các lựa chọn để huy động nguồn tài trợ và báo cáo lại trước tháng 6”.
Ông Charles Michel, chủ tịch Hội đồng châu Âu, nói với các phóng viên: “Tôi tin tưởng rằng chúng tôi có thể hành động rất nhanh chóng”.
EU đang thúc đẩy kế hoạch do bà von der Leyen đề xuất vào tháng trước nhằm sử dụng số tiền lợi nhuận thu được từ các quỹ của Nga để mua vũ khí cho Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: “Số tiền thu được này trước hết nên được sử dụng để mua vũ khí và đạn dược mà Ukraine cần để tự vệ”.
Tuy nhiên, ý tưởng đó đã vấp phải sự phản đối của một số quốc gia, bao gồm Malta, Áo, Luxembourg và Ireland. Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho biết: “Đối với những người trung lập như chúng tôi, phải đảm bảo rằng số tiền mà chúng tôi chấp thuận phê chuẩn không được chi cho vũ khí và đạn dược”.
Đề xuất nói trên cũng có thể bị Hungary ngăn cản, nước luôn nhấn mạnh rằng số tiền thu được từ tài sản của Nga nên được phân bổ cho việc tái thiết đất nước Ukraine thay vì sử dụng để tài trợ cho quân đội của nước này.
Trong khi đó, một số ngân hàng phương Tây đang vận động hành lang chống lại việc sử dụng thu nhập có được từ tài sản bị phong tỏa của Nga vì lo ngại điều này có thể dẫn đến kiện tụng tốn kém, theo Reuters.