- Ngân hàng Nhà nước được giao khẩn trương tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3 tháng 4 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý 1 năm 2024.
Thông tin trên được người đứng đầu Chính phủ đưa ra tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Cụ thể, tại chỉ thị trên, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.
Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Khẩn trương tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3 tháng 4 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý 1 năm 2024…
Ảnh minh họa |
Liên quan đến hoạt động của thị trường vàng, theo ghi nhận, vài tháng gần đây, giá vàng bất ngờ tăng dựng đứng, có thời điểm lập đỉnh lịch sử chưa từng có khi lên tới hơn 80 triệu đồng/ lượng, khiến cho nhiều người có tiền nhàn rỗi hoặc lỡ đầu tư vào chứng khoán hay gửi tiết kiệm cảm thấy tiếc vì bỏ lỡ mất một kênh sinh lời cao.
Tuy nhiên, sau khi lập đỉnh lịch sử với mức giá chưa từng có, giá vàng có những ngày không ngừng rớt mạnh. Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/1/2024 giá vàng hiện chỉ còn khoảng 72-74 triệu đồng/lượng đã khiến không ít nhà đầu tư lỡ mua giá đỉnh lỗ đậm.
Mở cửa sáng nay, giá vàng miếng SJC trong nước tiếp tục neo ở mức cao, gần 79 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia khuyến cáo, hiện giá vàng vẫn biến động khó lường, vì vậy, nhà đầu tư và người dân nên cân nhắc trước khi giao dịch và thường xuyên theo dõi giá vàng trên các kênh chính thống để có quyết định đúng đắn nhất.
Theo đánh giá của GS. TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Nghị định 24 đã phát huy tác dụng khá tốt, chúng ta đã chấn chỉnh được tình trạng dùng vàng làm công cụ giao dịch.
Thực tế những năm qua, hầu như Nhà nước lấy một thương hiệu vàng SJC là thương hiệu vàng quốc gia. Mặc dù SJC và các vàng miếng khác có thể cùng chất lượng như nhau, nhưng đây là vàng thương hiệu quốc gia nên đương nhiên được tin cậy, tích lũy đảm bảo an toàn nhất nên người dân đều mong muốn mua, tích lũy, sở hữu. Song khi cung không có mà cầu có thực sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu và giá vàng sẽ tăng.
Việc không cân bằng được giữa thị trường vàng trong nước và thế giới dẫn đến tình trạng, thế giới có thể tăng một chút nhưng trong nước tăng rất cao, có những thời kỳ tăng đến 20 triệu đồng một lượng. Điều này là rất phi lý.
"Rất cần có sự thay đổi về phương thức quản lý, sửa đổi Nghị định số 24, không nhất thiết phải độc quyền Nhà nước về một thương hiệu vàng. Có thể cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân, nguồn cung được tự do được cạnh tranh bình đẳng thì sẽ không còn tình trạng kham hiếm nữa. Cùng với đó cần có liên thông giữa thị trường trong nước và quốc tế", GS. TS Hoàng Văn Cường khẳng định.
Trung Kiên