- Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các địa phương chú trọng thực hiện thật tốt nhiệm vụ cung ứng xăng dầu và điện cho sản xuất và đời sống, với phương châm “trong bất kể tình huống nào không được để xảy ra đứt gãy về nguồn cung xăng dầu và cung ứng điện”. Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong vấn đề này là rất quan trọng.
Tại Hội nghị trực tuyến với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên Đán năm 2024 và một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới do Bộ Công Thương tổ chức, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Công Thương là ngành sản xuất vật chất và đảm bảo phân phối lưu thông của nền kinh tế đất nước. Để bảo đảm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Ngành, sẽ không chỉ bằng nỗ lực của Bộ Công Thương mà rất cần sự vào cuộc của các các cấp, các ngành, các địa phương trên cả nước.
Qua báo cáo của Bộ và các ý kiến phát biểu của các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã thẳng thắn chỉ ra còn có những vấn đề cần phải tập trung giải quyết.
Theo đó, tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng không ổn định, gian lận thương mại vẫn còn xảy ra, đặc biệt là trên môi trường thương mại điện tử, cần sự vào cuộc của không chỉ của ngành Công Thương mà còn của các ngành có liên quan.
Trong quá trình sản xuất công nghiệp và kinh doanh lưu thông phân phối còn nhiều khó khăn, vướng mắc do sự chồng chéo về các quy định hiện hành, sự rườm rà của các thủ tục hành chính, hay áp lực từ những rào cản thương mại lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của chúng ta.
Tại Hội nghị |
Thói quen sản xuất xuất khẩu tiểu ngạch vẫn còn ngự trị ở nhiều địa phương, nhất là trong lĩnh vực sản xuất xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các địa phương, các Bộ, ngành và đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, nhất là Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ; Chương trình hành động của Bộ Công Thương để thực hiện các nghị quyết này, nhằm triển khai thực hiện các nghị quyết một cách quyết liệt, hiệu quả. Các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã được đề cập trong chương trình hành động của Bộ Công Thương.
Thứ hai, các địa phương cần phát động và tổ chức các phong trào thi đua trong các cơ sở, phấn đấu đạt được các mục tiêu về sản xuất và kinh doanh. Tập trung cao độ việc rà soát để nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp; chủ động, tích cực tháo gỡ theo thẩm quyền và kịp thời phản ánh đối với cấp trên về những vấn đề vượt thẩm quyền.
Thứ ba, tập trung triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Tại Đề án và chương trình hành động của Bộ đã thể hiện rất rõ tinh thần phải phát triển theo hướng ứng dụng nhiều hơn khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực hoạt động của ngành; đồng thời triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch các địa phương, nhất là quy hoạch trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản.
Năm 2023, bốn quy hoạch trong lĩnh vực này đã được thông qua và các kế hoạch thực hiện quy hoạch cũng đã và đang được Chính phủ xem xét ban hành. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, cùng với quy hoạch của các địa phương, để triển khai thực hiện những nhiệm vụ trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản.
“Nếu chúng ta vận dụng kịp thời và triển khai một cách quyết liệt, hiệu quả trên các địa phương thì sẽ tạo ra những dư địa, xung lực mới cho phát triển từng địa phương nói riêng và nền kinh tế quốc gia nói chung”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ tư, đề nghị các địa phương chú trọng thực hiện thật tốt nhiệm vụ cung ứng xăng dầu và điện cho sản xuất và đời sống, với phương châm “trong bất kể tình huống nào không được để xảy ra đứt gãy về nguồn cung xăng dầu và cung ứng điện”. Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong vấn đề này là rất quan trọng.
Tập trung hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp và người sản xuất triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh bám sát tín hiệu thị trường và khai thác hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã ký kết và là thành viên. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt Đề án xuất khẩu chính ngạch mà Bộ Công Thương xây dựng và đã được Chính phủ thông qua.
“Đã đến lúc chúng ta phải chuyển mạnh mẽ, chuyển dứt điểm từ sản xuất, xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang sản xuất, xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu”, Bộ trưởng khẳng định.
Thứ năm, đề nghị các địa phương phối hợp với Bộ Công Thương (Tổng cục Quản lý thị trường) làm tốt công tác quản lý thị trường trên địa bàn lãnh thổ của mình, tập trung đấu tranh với nạn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại không chỉ trên môi trường thương mại truyền thống mà phải chú trọng cả trên thương mại điện. Để làm được việc này, Sở Công Thương địa phương phải là đầu mối, chủ trì phối hợp với Cục Quản lý thị trường các tỉnh thành phố và các lực lượng chức năng khác trên địa bàn như Sở Thông tin truyền thông, Công an,…
Thứ sáu, từ thực tế hoạt động trong lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Công Thương ở địa phương, đề nghị các địa phương khẩn trương và kịp thời tổng hợp những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, người sản xuất nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắt hiện hữu, đồng thời đề xuất đưa ra những cơ chế, chính sách tạo đột phá, giải phóng các nguồn lực cho xã hội. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp nội để hình thành, phát triển tư bản dân tộc đủ mạnh, độc lập và tự cường.
Yến Nhi