Sự bất cập giữa quy định pháp luật và chính sách cho vay của các ngân hàng khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội.
Sở Xây dựng TP HCM vừa có báo cáo liên quan đến phát triển nhà ở xã hội. Theo kế hoạch phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, dự kiến phát triển 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương 35.000 căn hộ.
Tuy nhiên, đến nay thành phố mới chỉ có 2 dự án được hoàn thành, đưa vào sử dụng với quy mô 61.554 m2 sàn (623 căn hộ).
Ngoài ra, thành phố có 7 dự án nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân đang thi công với quy mô 4.996 căn hộ, tổng diện tích sàn 383.258 m2.
Dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê quy mô hơn 1.000 căn hộ tại TP Thủ Đức. |
Chào mừng kỷ nhiệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, UBND TP HCM xác định mục tiêu đối với nhà ở xã hội phấn đầu hoàn thành, đưa vào sử dụng khoảng 12.000 căn hộ, tưởng đương 1,15 triệu m2 sàn, với tổng mức đầu tư khoảng 11.500 tỉ đồng.
Sở Xây dựng chỉ ra hàng loạt khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, đặc biệt là khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay.
Cụ thể, nguồn vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ các chủ đầu tư vay thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội và đối tượng vay mua nhà là chưa ổn định.
Hiện có gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi là cam kết của 4 ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank với Chính phủ cho chủ đầu tư và người mua nhà vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5%-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại Nhà nước.
Tuy nhiên, khi tiếp nhận hồ sơ thẩm định để cấp tín dụng cho chủ đầu tư, các ngân hàng có quy định riêng về điều kiện vay, nhằm đảm bảo thu hồi các khoản cho vay theo quy định.
Cụ thể, đối với dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, tại khoản 2 Điều 173 Luật Đất đai 2013 quy định: "Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất".
Do đó, chủ đầu tư không thể dùng khu đất dự án nhà ở xã hội làm tài sản bảo đảm thế chấp, vay vốn tại ngân hàng thương mại cho chính dự án đó mà phải dùng tài sản khác để thế chấp đảm bảo khoản vay.
Ngoài ra, hầu hết các chủ đầu tư sau khi có quyết định giao đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất chưa thực hiện xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên không đủ thành phần hồ sơ để vay theo quy định của ngân hàng.
Từ đó, Sở Xây dựng TP cho rằng nếu không quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng thì thành phố sẽ không có dự án đủ điều kiện để hưởng các gói tín dụng của Chính phủ và không hoàn thành chỉ tiêu Nghị Quyết của HĐND TP HCM.
Sở Xây dựng kiến nghị UBND kiến nghị Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên – Môi trường, Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỉ đồng của Chính phủ.
Theo Người Lao động