- Chỉ số sản xuất tháng 01/2024 của hầu hết ngành trọng điểm cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao ở mức hai chữ số.
Bộ Công Thương cho biết, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 01/2024 đạt mức 50,3 điểm, tăng so với mức 48,9 điểm của tháng 12/2023 cho thấy hoạt động sản xuất của nước ta ghi nhận sự tăng trưởng trở lại vào đầu năm 2024, khi những dấu hiệu ban đầu cho thấy nhu cầu cải thiện giúp số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại.
Do vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 01/2024 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước (tăng 18,3%) và tăng trên diện rộng (60/63 địa phương có chỉ số IIP tăng). Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%, dần lấy lại vai trò dẫn dắt phát triển công nghiệp. Kết quả tích cực này tiếp nối đà phục hồi sản xuất từ Quý IV/2023 nhờ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm, kết quả thu hút, giải ngân vốn FDI năm 2023 giúp tăng năng lực sản xuất trong nước và sự phục hồi của thị trường thế giới.
Ngoài ra, Tết Nguyên đán vào tháng 2 cũng giúp sản xuất công nghiệp trong tháng 01/2024 đỡ bị ảnh hưởng như năm 2023 (tháng 01/2023 là tháng có Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng nên số ngày làm việc ít hơn đã ảnh hưởng đến các chỉ số phát triển công nghiệp).
Cũng theo Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất tháng 01/2024 của hầu hết ngành trọng điểm cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao ở mức hai chữ số như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 17,2%; sản xuất thuốc lá tăng 34,7%; dệt tăng 46,2%; sản xuất trang phục tăng 20,9%; sản xuất thiết bị điện tăng 43,3%; sản xuất giường tủ bàn ghế tăng 66,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 24%...
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tháng 01/2024 đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số sản phẩm tăng cao ở mức hai chữ số như: Khí hóa lỏng LPG tăng 16,8%; xăng dầu các loại tăng 25,8%; thép cán tăng 59,6%; ô tô tăng 14,6%; xe máy tăng 18,6%; Vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 57%; quần áo mặc thường tăng 25,8%; giầy dép da tăng 13,6%; phân NPK tăng 40,7%...
Ngoài ra, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/01/2024 tăng 0,5% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,1% so với cùng thời điểm năm trước.
Yến Nhi