Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất 4 phương pháp xác định giá đất (so sánh, thu nhập, thặng dư và hệ số điều chỉnh giá đất). Bảng giá đất được công khai vào ngày 1/1 hàng năm.
Có 4 phương pháp xác định giá đất
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố dự thảo Nghị định Quy định về giá đất (hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) lấy ý kiến rộng rãi của dư luận.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất 4 phương pháp xác định giá đất (Ảnh: Văn Ngân/VOV.VN) |
Theo dự thảo, tổ chức tư vấn định giá đất (được thuê để tư vấn định giá đất) có trách nhiệm phân tích, lựa chọn phương pháp định giá đất phù hợp và đề xuất trong Báo cáo thuyết minh xây dựng phương án giá đất làm cơ sở để cơ quan tài nguyên và môi trường trình Hội đồng thẩm định giá đất cùng cấp quyết định. Dự thảo nghị định đề xuất trình tự, nội dung xác định giá đất theo 4 phương pháp: So sánh; thu nhập; thặng dư và hệ số điều chỉnh giá đất.
Thông tin về giá đất, giá thuê đất, giá thuê mặt bằng để áp dụng phương pháp so sánh, phương pháp thặng dư và xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất là thông tin trong khoảng thời gian không quá 24 tháng tính từ thời điểm định giá đất trở về trước được thu thập trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.
Thông tin cũng có thể được thu thập từ các nguồn như giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất; giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng; giá đất đã sử dụng để thu nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế; giá đất chuyển nhượng, giá thuê đất, giá thuê mặt bằng thành công trên thị trường được thu thập…
Ngoài ra, theo dự thảo, thông tin về chi phí, thu nhập từ việc sử dụng đất nông nghiệp để áp dụng phương pháp thu nhập phải được thu thập tại cơ quan thống kê, thuế, cơ quan nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Trường hợp chưa có số liệu thống kê, không có số liệu từ các cơ quan đó thì thu thập thông tin về chi phí thực tế phổ biến trên thị trường của tối thiểu 3 thửa đất có khoảng cách gần nhất đến thửa đất, khu đất cần định giá. "Tổ chức tư vấn định giá đất khi thu thập thông tin để áp dụng phương pháp định giá đất phải trung thực, khách quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin điều tra", dự thảo nêu rõ.
Đơn vị, tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan nông nghiệp và phát triển nông thôn, có trách nhiệm cung cấp thông tin để phục vụ công tác định giá đất bằng văn bản hoặc phương thức điện tử trong thời gian không quá 5 ngày làm việc.
Sở TN&MT các tỉnh, thành phố công khai bảng giá đất vào ngày 1/1 hàng năm
Dự thảo vừa công bố đề xuất, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đăng dự thảo bảng giá đất trên trang thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường trong thời gian 30 ngày để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất.
HĐND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp tỉnh tổ chức hoàn thiện bảng giá đất để quyết định ban hành; công bố công khai bảng giá đất vào ngày 1/1 hằng năm và cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
Căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước về giá đất của địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp thông qua trước khi quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất trong năm với các trường hợp: Khi hình thành các đường, phố mới chưa có trong bảng giá đất hiện hành; khi các dự án có sử dụng đất đã hoàn thành đưa vào sử dụng mà chưa có giá đất trong bảng giá đất; các trường hợp áp dụng bảng giá đất quy định tại khoản 3 Điều 111 và khoản 1 Điều 160 của Luật Đất đai mà chưa có giá đất trong bảng giá đất.
Trong đó có thể điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung giá của một loại đất, một số loại đất hoặc tất cả các loại đất trong bảng giá đất. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất, có thể điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất tại một vị trí đất, một số vị trí đất hoặc tất cả các vị trí đất; tại một vùng giá trị hoặc một số vùng giá trị hoặc tất cả các vùng giá trị.
Theo VOV.vn