Cách đây không lâu, vụ tàu Ever Given mắc kẹt ở Kênh đào Suez đã đẩy hóa đơn nhiên liệu và năng lượng của các hộ gia đình tăng mạnh.
Vậy, vì sao giữa cuộc khủng hoảng tại Biển Đỏ, khi các tàu chở dầu và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) buộc phải chuyển sang các tuyến đường dài hơn, nhưng giá năng lượng gần như không có phản ứng gì đáng kể, hay thậm chí là giảm xuống trong những tuần qua.
Một nhà máy lọc dầu ở Karbala, Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thị trường năng lượng thờ ơ với căng thẳng ở Biển Đỏ
Châu Âu nhập khẩu phần lớn khí tự nhiên của khối này, nhưng giá khí tự nhiên đã giảm 28% kể từ đầu tháng 12, khi lực lượng Houthi bắt đầu thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc và giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) gần như không biến động, khi chỉ tăng khoảng 4% kể từ đầu tháng 12. Tính đến ngày 16/1, giá xăng trung bình tại Mỹ ở mức 3 USD/gallon, không đổi so với một tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái (1 gallon = 3,78 lít).
Ông Homayoun Falakshahi, chuyên gia phân tích cấp cao về dầu của công ty cung cấp dữ liệu Kpler, cho biết thị trường năng lượng về cơ bản không có phản ứng đáng kể vì những căng thẳng hiện nay ở Biển Đỏ không thực sự và nhất thiết khiến nguồn cung năng lượng sụt giảm.
Quay lại năm 2022, thị trường năng lượng toàn cầu lại rất nhạy cảm với xung đột tại Ukraine, khi chỉ một dấu hiệu rất nhỏ cho thấy bất ổn địa chính trị gia tăng thôi cũng khiến giá dầu, khi và các hàng hóa khác tăng mạnh.
Tuy nhiên, giờ đây, giới phân tích cho rằng các yếu tố kinh tế, như nhu cầu suy yếu tại các nước như Trung Quốc và Đức, cũng như nguồn cung dầu khí lớn, đang lấn át những lo ngại về tình hình căng thẳng ở Trung Đông, ít nhất ở thời điểm này.
Khả năng thặng dư nguồn cung
Theo số liệu của Kpler, khoảng 10-12% lượng dầu thô xuất khẩu toàn cầu, và 14-15% các sản phẩm dầu xuất khẩu, như xăng và dầu diesel, thường đi qua Biển Đỏ. Trong những tuần gần đây, nhiều tàu chở dầu đã chuyển sang tuyến đường dài hơn. Nhưng ông Falakshahi cho biết: “Dù một số tàu chở dầu phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng. Nhưng cuối cùng thì khối lượng dầu vẫn không đổi”.
Trong khi đó, những nỗ lực của châu Âu để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga kể từ đầu năm 2022 đã phát huy tác dụng. Những nỗ lực này bao gồm tìm kiếm các nguồn cung thay thế, tăng cường năng lực tiếp nhận LNG, và bổ sung các kho dự trữ.
Ông Xi Nan, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về khí đốt của công ty năng lượng Rystad Energy, nhận định lượng khí đốt dự trữ hiện ở mức cao lịch sử là yếu tố quyết định giúp giữ giá năng lượng tại châu Âu nằm trong tầm kiểm soát. Theo Gas Infrastructure Europe tính đến ngày 16/1, lượng khí đốt dự trữ của Liên minh châu Âu (EU) đã đầy 78%, cao hơn mức trung bình 63% cùng kỳ trong giai đoạn từ 2017-2021.
Trong khi nguồn cung dồi dào, thì tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu lại đang suy yếu. Trong báo cáo ngày 18/1, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán mức tăng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm một nửa trong năm nay. Cùng lúc đó, nguồn cung dầu toàn cầu được dự đoán sẽ chạm mức cao nhất từ trước đến nay, do sản lượng cao kỷ lục từ nhiều nước như Mỹ và Canada, bất chấp nỗ lực hạn chế nguồn cung từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+.
IEA nhận định nếu OPEC+ thực hiện kế hoạch hạ dần các mức cắt giảm sản lượng của mình trong quý II, sự tăng trưởng sản lượng mạnh mẽ từ các nước khác có thể khiến nguồn cung dầu toàn cầu thặng dư lớn.
Thế nhưng, ông Falakshahi tin rằng tình hình gián đoạn ở Biển Đỏ sẽ kéo dài nhiều tháng, và dự đoán giá dầu Brent sẽ vượt 80 USD/thùng trong tương lai gần. Theo ông, giá dầu có thể tăng lên đến 85 USD/thùng trong vài tháng tới, nhưng sẽ chỉ tăng mạnh hơn nữa nếu xung đột ở Trung Đông leo thang đáng kể.
Theo Báo tin tức
https://baotintuc.vn/kinh-te/vi-dau-thi-truong-nang-luong-tho-o-voi-nhung-cang-thang-o-trung-dong-20240119163845038.htm