- Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) mới đây báo cáo, vận tải hàng hóa qua kênh đào Suez đã giảm mạnh 45% trong hai tháng kể từ khi phiến quân Houthi tấn công vào các tàu chở hàng ở Biển Đỏ, buộc các công ty vận tải phải chuyển hướng vận chuyển, gây ra làn sóng chấn động trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Jan Hoffmann – người phụ trách vấn đề hậu cần thương mại tại UNCTAD, cảnh báo rằng chi phí vận chuyển đã tăng cao, từ đó chi phí năng lượng và thực phẩm đang bị ảnh hưởng, làm tăng rủi ro lạm phát.
“Chúng tôi rất lo ngại,” ông Hoffmann nói với các phóng viên. “Chúng tôi đang chứng kiến sự chậm trễ, chi phí cao hơn, lượng khí thải nhà kính cao hơn.”
Các công ty lớn trong ngành vận tải biển đã tạm thời ngừng sử dụng Kênh đào Suez, tuyến thương mại hàng hải quan trọng nối Biển Địa Trung Hải với Biển Đỏ và là tuyến đường biển vô cùng quan trọng cho việc vận chuyển năng lượng và hàng hóa giữa châu Á và châu Âu.
Phiến quân Houthi có trụ sở tại Yemen đã thực hiện hàng chục cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa ở Biển Đỏ kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Israel-Hamas vào tháng 10.
Theo UNCTAD, số tàu qua kênh này kể từ đầu tháng 12 đã giảm 39%, khiến trọng tải hàng hóa giảm 45%. Điều này đã làm gián đoạn đáng kể các tuyến đường thương mại hàng hải vốn đã căng thẳng.
Ông Hoffmann cảnh báo rằng một số tuyến đường thương mại toàn cầu quan trọng đang gặp vấn đề, không chỉ do các cuộc tấn công ở Biển Đỏ mà còn do xung đột ở Ukraine và mực nước thấp ở Kênh đào Panama.
“Vận tải hàng hải thực sự là huyết mạch của thương mại toàn cầu. Những sự gián đoạn này cho thấy chúng dễ bị tổn thương trước địa chính trị, căng thẳng và biến đổi khí hậu”, vị quan chức của UNCTAD cho hay.
Kênh đào Suez xử lý tới 15% thương mại toàn cầu và khoảng 20% lưu lượng container. Lượng tàu container qua kênh giảm 67% so với một năm trước. Theo UNCTAD, tác động đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng là lớn nhất, vì các chuyến hàng đã dừng hoàn toàn thông qua tuyến đường thương mại quan trọng kể từ ngày 16 tháng 1.