- Thị trường chứng khoán Việt Nam giữ vững được đà tăng trưởng với chỉ số Vn-Index tính đến cuối năm 2023 đạt 1.129,93 điểm, tăng hơn 12% so với cuối năm 2022. Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu đạt trên 17.500 tỷ đồng/phiên. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu ước đạt gần 6 triệu tỷ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm 2022.
Trong khó khăn, thị trường chứng khoán vẫn giữ đà tăng trưởng
Thời gian qua, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với rủi ro, thách thức từ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm, lạm phát toàn cầu tuy có dấu hiệu giảm nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Sự sụt giảm nhu cầu toàn cầu, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tiếp tục diễn ra và kéo dài ở các nước. Trong nước, một số thách thức nội tại như sản xuất công nghiệp mặc dù có cải thiện nhưng không chắc chắn, tăng trưởng xuất nhập khẩu tiếp tục suy giảm, khu vực doanh nghiệp trong nước tiếp tục gặp khó khăn.
Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam giữ vững được đà tăng trưởng với chỉ số VN-Index tính đến ngày 29/12/2023 đạt 1.129,93 điểm, tăng hơn 12% so với cuối năm 2022. Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu đạt trên 17.500 tỷ đồng/phiên. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu ước đạt gần 6 triệu tỷ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm 2022, tương đương khoảng 62% GDP năm 2022 với 739 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và 862 cổ phiếu đăng ký giao dịch. Thị trường chứng khoán phái sinh vẫn duy trì ổn định với khối lượng giao dịch bình quân đạt 236.867 hợp đồng/phiên. Số tài khoản nhà đầu tư mới tăng trên 355.600 nghìn tài khoản, đưa tổng số lượng tài khoản chứng khoán lên gần 7,4 triệu tài khoản.
Có thể thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2023 vẫn ghi nhận một số kết quả tích cực, tiếp tục phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.
Tăng cường minh bạch thông tin
Theo Bộ Tài chính, một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Tài chính là tăng cường minh bạch thông tin để thị trường chứng khoán hoạt động công bằng, hiệu quả. Trong năm vừa qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai nhiều giải pháp để nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán.
Hiện nay, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện triển khai kết nối hệ thống công bố thông tin của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với hệ thống công bố thông tin của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nhằm cho phép công ty đại chúng chỉ cần thực hiện công bố thông tin tại một đầu mối là Sở Giao dịch Chứng khoán nơi công ty niêm yết, đăng ký giao dịch, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình công bố, tiếp cận thông tin.
Đối với các tổ chức trung gian trên thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính đang chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục triển khai các giải pháp tái cấu trúc công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ (CTQLQ) nhằm nâng cao năng lực của các công ty, tiến hành xử lý thanh lọc các CTCK, CTQLQ yếu kém, hoạt động không hiệu quả, không có khả năng huy động tài sản để quản lý, đảm bảo hoạt động cơ cấu lại không làm gián đoạn hoạt động ổn định của công ty; rà soát, phân loại các công ty để có biện pháp xử lý đối với từng nhóm công ty cụ thể theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, các CTCK, phải thực hiệp áp dụng nguyên tắc quản trị công ty và công bố thông tin theo chuẩn mực cao nhất của công ty đại chúng. Nhiều CTCK, CTQLQ có vốn đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc áp dụng nguyên tắc quản trị theo quy định của pháp luật Việt Nam, còn thực hiện thực hiện quy định về quản trị của công ty mẹ ở nước ngoài cũng như quy định liên quan về công bố thông tin, đầu tư, phòng chống rửa tiền của pháp luật nước ngoài với độ minh bạch ngày càng cao.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện các đoàn kiểm tra định kỳ các CTCK, CTQLQ và tiến hành xử lý vi phạm đối với 06 CTCK; đưa 01 CTCK thuộc tình trạng kiểm soát, 02 CTCK thuộc tình trạng cảnh báo. Hiện có 06 CTCK thuộc trường hợp bị chấm dứt hoạt động và 01 CTCK bị yêu cầu tạm ngừng hoạt động.
Ngoài ra, nhằm ổn định và phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, hiệu quả, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đẩy mạnh công tác thanh tra và xử lý vi phạm với tổng cộng 67 đoàn thanh kiểm tra, ban hành 412 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt thu được là 37,2 tỷ đồng, trong đó xử phạt 2 trường hợp thao túng với tổng số tiền phạt 2,05 tỷ đồng.
Liên quan đến việc nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những mục tiêu của Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài cho phát triển kinh tế, tài chính đất nước, góp phần tác động tích cực đến quá trình cổ phần hoá của Chính phủ, gia tăng số lượng nhà đầu tư tổ chức có quy mô lớn, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường theo hướng tiếp cận các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế trong hoạt động của doanh nghiệp, quản trị công ty.
Để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp với các Bộ ngành liên quan, trực tiếp chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán.
Để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, ngoài nỗ lực của Bộ Tài chính, rất cần chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và sự chung tay của nhiều Bộ, ngành, doanh nghiệp. Với vai trò đơn vị đầu mối, Bộ Tài chính đang khẩn trương và quyết liệt thực hiện các giải pháp và hy vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng.
Yến Nhi