- Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác quản lý, sử dụng tài sản công một cách chủ động, đồng bộ và đạt nhiều kết quả.
Bộ Tài chính cho biết, tài sản công là nguồn lực quan trọng, có phạm vi rộng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của mỗi quốc gia. Công tác quản lý tài sản công luôn được Đảng, Nhà nước, dư luận xã hội quan tâm. Trong thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, công tác quản lý, sử dụng tài sản công đã đạt được những kết quả quan trọng, đưa công tác quản lý tài sản công dần đi vào nề nếp, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, huy động, khai thác hiệu quả nguồn lực tài chính từ tài sản công.
Cũng theo Bộ Tài chính, trong năm 2023, Bộ Tài chính được giao thực hiện 36 đề án (21 đề án trong kế hoạch và 15 đề án trong chương trình chuẩn bị). Đến nay, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 5 đề án; đã hoàn tất thủ tục soạn thảo, thẩm định, đang trình cấp có thẩm quyền để xem xét, ban hành 7 đề án; đã hoàn tất thủ tục soạn thảo, đang thực hiện thủ tục gửi lấy ý kiến thẩm định đối với 3 đề án; đang tập trung nghiên cứu, hoàn thiện 6 đề án.
Ảnh minh họa |
Đối với công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương thực hiện xử lý, sắp xếp nhà, đất của các Bộ, ngành, tổng công ty và tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 379 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương. Ngoài ra, qua tổng hợp số liệu báo cáo của các Bộ, cơ quan trung ương, Hội đặc thù và các địa phương gửi về Bộ Tài chính thì tổng số cơ sở nhà, đất (bao gồm cả nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần có vốn nhà nước trên 50%) thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trên phạm vi cả nước là 268.274 cơ sở nhà, đất; trong đó, tổng số cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 189.659 cơ sở; tổng số cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt là 78.615 cơ sở.
Bên cạnh đó, trong quản lý, sử dụng xe ô tô, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2023/NĐ-CP ngày 26/9/2023 quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô. Để triển khai thi hành Nghị định, Bộ Tài chính đã có Công văn gửi các Bộ, ngành, địa phương đề nghị xác định và công bố công khai tiêu chuẩn định mức xe ô tô phục vụ công tác chung của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; ban hành tiêu chuẩn định mức xe ô tô chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý...
Trong công tác quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng, Bộ Tài chính theo thẩm quyền đã: Ban hành các Quyết định về việc điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa từ Bộ GTVT về: tỉnh Trà Vinh, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Đồng Nai, Ninh Bình, Tuyên Quang, Hải Dương, An Giang; Trả lời vướng mắc, hướng dẫn xử lý tài sản kết cấu hạ tầng theo đề nghị của Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT, các Tổng công ty và các địa phương...
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã hoàn thành Dự án Nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công sau khi nâng cấp chính thức được triển khai tới các Bộ, ngành, địa phương. Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho các Bộ, cơ quan trung ương và 05 lớp cho các địa phương.
“Có thể thấy công tác quản lý tài sản công năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực, theo đó công tác quản lý, sử dụng tài sản công từ khi có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nói chung và năm 2023 nói riêng đã được các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm triển khai thực hiện”, Bộ Tài chính cho hay.
Minh Ngọc