- Theo dữ liệu do Ngân hàng Pháp tổng hợp vào cuối tháng 12, hơn 55.000 doanh nghiệp nước này đã phải đóng cửa vào năm 2023, đánh dấu mức cao kỷ lục về số lượng công ty phá sản kể từ năm 2017.
Số liệu thống kê do cơ quan quản lý công bố hồi cuối tuần vừa rồi cho thấy, trung bình có 55.492 công ty phải đối mặt với tình trạng phá sản hoặc thanh lý trong 12 tháng qua.
Mặc dù số lượng công ty đóng cửa tăng vọt được ghi nhận là đáng kể, nhưng Ngân hàng Pháp lưu ý rằng mức này vẫn thấp hơn mức trung bình hàng năm là 59.342 hồ sơ phá sản được ghi nhận từ năm 2010 đến năm 2019. Những năm đại dịch chứng kiến số lượng công ty phá sản thấp hơn đáng kể, gần một nửa của các số liệu hiện tại.
Theo báo cáo, các doanh nghiệp bị đóng cửa năm 2023 hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Các doanh nghiệp sử dụng tới 250 người, chiếm phần lớn trong tổng số, với 55.435 doanh nghiệp đóng cửa.
Trong khi đó, cơ quan quản lý lưu ý rằng các công ty vừa và lớn với hơn 250 nhân viên cũng chứng kiến sự gia tăng trong số lượng phải đóng cửa và con số đó là 57, tăng gấp đôi kể từ năm 2022. Xu hướng tiêu cực trở nên đáng chú ý nhất trong ngành kinh doanh nhà hàng và khách sạn, nơi số vụ phá sản tăng 44,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông tăng 44,4%.
Ngành nông nghiệp của nước này là ngành duy nhất ghi nhận số lượng đơn xin phá sản giảm 1,3%.
Vào tháng 12, tờ Financial Times đưa tin số doanh nghiệp phá sản trên toàn thế giới đã vượt quá mức được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Các nhà phân tích cho rằng sự gia tăng số lượng công ty phá sản này là do lãi suất chủ chốt cao hơn, cũng như khả năng tự thanh lý của cái gọi là ‘các công ty zombie’, vốn đã vượt qua được thời kỳ Covid chỉ nhờ sự hỗ trợ của chính phủ.