- Cùng với các biện pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai quyết liệt, sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tiếp tục có những tín hiệu tích cực.
Những tín hiệu tích cực
Tại buổi Họp báo thường kỳ và gặp mặt các cơ quan báo chí đầu Xuân Giáp Thìn 2024 của Bộ Công Thương, ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa phục hồi, song với nền tảng vĩ mô ổn định, cùng với các biện pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai quyết liệt nên sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 12 tiếp tục có những tín hiệu tích cực dù chưa tăng trưởng đột biến. So với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng trở lại, xuất khẩu tuy chưa tăng nhưng mức suy giảm tiếp tục được thu hẹp.
Tính chung cả năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 1,5% so với cùng kỳ song đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm; giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 ước tăng 3,02% so với năm trước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao.
Cùng đó chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 so với năm trước tăng ở 50 địa phương và giảm ở 13 địa phương trên cả nước; trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP tăng cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao như: Quảng Ninh tăng 30,3% Bắc Giang tăng 20,8%, Phú Thọ tăng 18,5%.
Theo ông Bùi Huy Sơn, bức tranh sản xuất công nghiệp cũng ghi nhận một số tín hiệu tích cực như chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp, chế biến chế tạo tháng 12 tăng 5,1% so với cùng kỳ, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với năm trước. Tuy nhiên tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến chế tạo bình quân năm 2023 cao hơn so với năm 2022 cho thấy những khó khăn trong sản xuất công nghiệp.
Về xuất nhập khẩu hàng hoá, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá cả năm 2023 đạt 681 tỷ USD giảm 6,9% so với năm trước trong đó xuất khẩu sơ bộ đạt 354,67 tỷ USD giảm 4,6%, nhập khẩu giảm 9,2%. Cán cân thương mại hàng hoá năm 2023 ước tính xuất siêu 28,3 tỷ USD.
Trong năm 2023 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD chiếm 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Đặc biệt, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã vượt điện thoại các loại và linh kiện trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước, chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
8 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024
Đưa ra mục tiêu của ngành Công Thương năm 2024, Vụ trưởng Bùi Huy Sơn nhấn mạnh đến một số mục tiêu cụ thể như: Chỉ số IIP tăng khoảng 7 - 8%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%, cán cân thương mại duy trì xuất siêu khoảng 15 tỷ USD, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 9%, điện thương phẩm đạt khoảng 280,1 tỷ USD.
Để thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 được Quốc hội và Chính phủ giao, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ;
Hai là, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế. Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản và tổ chức thực hiện; Tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng.
Ba là, khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả ngay từ ngày đầu tháng đầu năm 2024 các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01 của Chính phủ, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công các Chương trình, nhiệm vụ đã đề ra.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm, khơi thông rào cản về thủ tục hành chính để triển khai các dự án sản xuất, khai khoáng mới, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu CNH, HĐH đất nước.
Năm là, tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Sáu là, tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các Hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng. Tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại;
Bảy là, phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước.
Tám là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Yến Nhi