– Các chuyên gia kinh tế đưa ra dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho năm 2024 ở mức 3,2 - 3,5%. Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh Quốc hội quyết định CPI năm 2024 tăng 4 - 4,5%.
Ngày 4/1, Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) đã phối hợp với Cục Quản lý giá tổ chức hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2023 và dự báo năm 2024.
CPI năm 2023 chỉ tăng ở 3,25%
Theo TS Ngô Trí Long, năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát... giúp Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Đáng lưu ý, CPI bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với bình quân năm 2022. Thành công này có ý nghĩa khi đây là năm thứ 10 liên tiếp lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội.
Theo đánh giá của Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Phạm Văn Bình, công tác quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng có ảnh hưởng lớn tới mặt bằng giá chung được thực hiện thận trọng ngay từ đầu năm, cùng với việc chủ động trong công tác dự báo, đánh giá tác động, xây dựng kịch bản điều hành giá và tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương. Đây là yếu tố then chốt giúp cho việc kiểm soát lạm phát năm 2023 ở mức thấp, tạo cơ sở cho việc triển khai đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.
Tại Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Bá Minh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) cũng cho biết, CPI năm 2023 chỉ tăng ở 3,25% - mức tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội đặt ra là 4 - 4,5%. Nguyên nhân chủ yếu là do tổng cầu nền kinh tế yếu. Trong bối cảnh kinh tế các nước lớn thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, khiến cho một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam đều giảm. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2023, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp để kích cầu tăng trưởng kinh tế, đơn cử như chính sách tiền tệ thực hiện giảm lãi suất liên tục…
“Có thể nói rằng chưa bao giờ lãi suất ngân hàng lại giảm đến như vậy, thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Điều này cho thấy nền kinh tế hấp thụ kém, nhiều doanh nghiệp nhất là trong lĩnh vực sản xuất, bán lẻ không có nhu cầu vay nên cung tiền thừa. Cùng với đó là, chính sách tài khóa với việc giảm thuế giá trị gia tăng 2%, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu và 6 tháng cuối năm có 36 loại phí giảm tới 50% để kích thích tăng trưởng. Mặc dù nửa cuối năm, CPI có tăng trở lại nhưng lại chủ yếu do điều chỉnh một số mặt hàng như dịch vụ y tế, giáo dục... Đây là nguyên nhân khiến cho CPI cả năm 2023 tăng trưởng thấp, chỉ ở mức 3,2%”, PGS, TS Nguyễn Bá Minh chia sẻ.
Dự báo CPI của năm 2024 tăng từ 3,2 - 3,5%
Trên cơ sở này, một số chuyên gia đều đưa ra dự báo CPI của năm 2024 tăng từ 3,2 - 3,5% so với 2023. Dự báo này được đưa ra trên cơ sở kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục tăng trưởng chậm lại, khiến tổng cầu yếu; cùng với đó giá dầu thấp chỉ ở mức 60 - 62 USD/thùng... tất cả sẽ tác động đến CPI của Việt Nam thấp.
Đồng tình với nhận định này, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2024 so với năm 2023 sẽ tăng ở mức khoảng 3,0% (+/- 0,5%). Cơ sở để đưa ra dự báo này chính là bởi kinh tế thế giới (đặc biệt hai nền kinh tế chủ đạo là Mỹ và Trung Quốc) được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại; giá dầu sẽ khó tăng mạnh, thậm chí có thể giảm mạnh nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Đặc biệt, trong năm 2024, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ hoạt động ở mức dưới tiềm năng, xuất khẩu cũng sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải; các điều kiện tiền tệ đang ở mức trung tính và sẽ không khiến giá cả tăng đột biến trong năm 2024; áp lực lạm phát từ yếu tố tỷ giá tăng trong năm 2024 sẽ không lớn khi USD đang trong xu hướng giảm giá…
Với các lý do trên, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng trong năm 2024 có nhiều nhân tố hỗ trợ cho việc kiểm soát lạm phát.
Minh Ngọc