- Theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023 của Tổng cục Thống Kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2023 tăng 21,2% so với năm trước, phản ánh kết quả nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước, đạt mức cao nhất từ năm 2019 đến nay.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý IV/2023 theo giá hiện hành ước đạt 1.164,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước ước đạt 320,8 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 668,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 174,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9%.
Ước tính năm 2023, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 3.423,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm trước, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 953,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,8% tổng vốn và tăng 14,6%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 1.919,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 56,1% và tăng 2,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 550,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,1% và tăng 5,4%.
Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2023 ước đạt 625,3 nghìn tỷ đồng, bằng 85,3% kế hoạch năm và tăng 21,2% so với năm trước. Theo cấp quản lý, vốn Trung ương đạt 113,5 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% kế hoạch năm và tăng 24,3% so với năm trước; vốn địa phương đạt 511,8 nghìn tỷ đồng, bằng 85,4% và tăng 20,5%. Trong vốn địa phương quản lý, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 353,4 nghìn tỷ đồng, bằng 82,5% và tăng 26,1%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 137,8 nghìn tỷ đồng, bằng 91,1% và tăng 11,1%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 20,6 nghìn tỷ đồng, bằng 104,7% và giảm 0,2%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm trước.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 19,08 tỷ USD, chiếm 82,3% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,37 tỷ USD, chiếm 5,9%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,15 tỷ USD, chiếm 4,9%.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong năm 2023 có 124 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 282,7 triệu USD, giảm 33,7% so với năm trước; có 25 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 138,2 triệu USD, gấp 1,3 lần.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 420,9 triệu USD, giảm 21,2% so với năm trước. Trong đó: Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 156,9 triệu USD, chiếm 37,3% tổng vốn đầu tư; thông tin và truyền thông đạt 120,6 triệu USD, chiếm 28,7%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 84,4 triệu USD; chiếm 20%.
Về thu, chi ngân sách Nhà nước, thu ngân sách Nhà nước năm 2023 ước giảm 5,4% so với năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 10,9% so với năm 2022, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Cụ thể, tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 12/2023 ước đạt 159,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2023 ước đạt 1.717,8 nghìn tỷ đồng, bằng 106% dự toán năm và giảm 5,4% so với năm trước.
Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 12/2023 ước đạt gần 229 nghìn tỷ đồng; lũy kế năm 2023 ước đạt 1.731,9 nghìn tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán năm và tăng 10,9% so với năm trước.
Minh Ngọc