- Đối với thị trường Hungary, trong thời gian qua, kinh tế thương mại hai nước đã có những bước phát triển vượt bậc và cộng đồng doanh nghiệp hai bên đã tận dụng được lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Nhận lời mời của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, ngay sau khi kết thúc tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ (WEF Davos 2024), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ thăm chính thức Hungary. Đây là hoạt động trao đổi đoàn ở cấp Thủ tướng Chính phủ đầu tiên giữa Việt Nam và Hungary trong 7 năm qua, có ý nghĩa quan trọng nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hungary.
Hungary đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU), nhất là trong quá trình đàm phán, ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Hungary là quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định EVIPA.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt ngưỡng trên 1 tỷ USD trong 3 năm liền từ 2020 - 2022, cho dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch COVID-19. Việt Nam luôn nằm trong TOP đầu các nước Đông Nam Á xuất khẩu sang Hungary. Trong đó, 3 năm liền (2020, 2021, 2022) Việt Nam đứng đầu trong khối Đông Nam Á xuất khẩu sang Hungary.
Ảnh minh họa |
Năm 2023, với tình hình khó khăn chung và nền kinh tế Hungary trong tình trạng suy thoái do tác động của thời kỳ hậu COVID-19 cũng như cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng đến thương mại hai chiều giữa hai nước. Ước tính, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hungary năm 2023 đạt khoảng 900 triệu USD, giảm khoảng 25% so năm 2022.
Mặc dù kim ngạch còn thấp, nhưng Bộ Công Thương cho biết, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu truyền thống của Việt Nam vẫn có chỗ đứng nhất định tại thị trường này.
Có thể kể đến như: hạt điều chiếm khoảng trên 40% thị phần, quế chiếm khoảng 18% thị phần, cà phê chiếm khoảng 13,8% thị phần, gạo chiếm khoảng 6% thị phần, hạt tiêu chiếm khoảng 5% thị phần.
Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã và đang tiếp tục mở ra cơ hội to lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, phát triển thương mại hàng hóa và đầu tư tại thị trường EU nói chung và Hungary nói riêng trong thời gian tới và ngược lại.
Với EVFTA, Thương vụ Việt Nam tại Hungary lưu ý, Hungary nằm trong khối Liên minh châu Âu, do vậy, thị trường này có những đòi hỏi, quy định rất khắt khe, những tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, môi trường, xã hội, lao động... Đặc biệt, hàng hóa cần phải đồng nhất về chất lượng giữa các lô hàng mới giữ được uy tín của doanh nghiệp với đối tác.
Do vậy, Thương vụ khuyến cáo: Các doanh nghiệp trong nước cần nghiên cứu thật kỹ về thị trường, thấu hiểu văn hóa, xu hướng, nhu cầu sử dụng của thị trường; trong đó, chú trọng nâng cao trình độ quản trị và đặc biệt phải quan tâm đến truy xuất nguồn gốc, truy xuất xuất xứ của hàng hóa...
Minh Ngọc