- Quý 1/2023 cả nước có 17 dự án nhà ở thương mại được cấp phép mới, quý 2 và 3 cùng có 15 dự án. Đến quý 4 có 20 dự án được cấp phép.
Số liệu trên được Bộ Xây dựng đưa ra trên cơ sở tổng hợp kết quả báo cáo của các địa phương trong cả nước.
Cụ thể, trong năm 2023, cả nước có 67 dự án phát triển nhà ở thương mại được cấp phép mới với quy mô khoảng 24.993 căn; trong đó, quý 1 có 17 dự án được cấp phép mới, quý 2 và 3 cùng có 15 dự án. Đến quý 4 có 20 dự án được cấp phép mới.
Ngoài ra, trong năm còn có 71 dự án nhà ở thương mại hoàn thành xây dựng với quy mô khoảng 29.612 căn và có 197 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở, theo Bộ Xây dựng, trong năm đã hoàn thành 140 dự án với quy mô khoảng 9.715 ô/nền. Được cấp phép mới 103 dự án với quy mô khoảng 7.173 ô/nền.
Liên quan đến việc này, Báo cáo Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2023 và dự báo năm 2024 được Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (Vars) công bố trước đó cho thấy, trong năm 2023, nguồn cung bất động sản nhà ở thương mại vẫn còn rất khan hiếm. Tổng nguồn cung nhà ở trong năm đạt khoảng 55.329 sản phẩm, tăng khoảng 14% so với tổng lượng sản phẩm chào bán năm 2022 nhưng vẫn chỉ bằng 32% so với năm 2018, năm chưa xảy ra đại dịch (180.000 sản phẩm).
Cơ cấu sản phẩm trên thị trường ngày càng mất cân đối. Thị trường thiếu vắng hẳn các sản phẩm nhà ở thương mại giá bình dân. Tỷ trọng nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc bình dân trên tổng nguồn cung căn hộ mở bán cũng liên tục tụt giảm, từ mức 30% vào năm 2019 còn 6% vào năm 2023.
Ghi nhận cho thấy, nguồn cung các căn hộ có giá dưới 25 triệu đồng/m2 chỉ có từ các dự án NƠXH, các dự án nhà thương mại tại các tỉnh thành cấp 2,3. Phân khúc trung cấp cũng bắt đầu khan hiếm tại 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM. Nguồn cung căn hộ có mức giá 40 triệu đồng/m2 gần như chỉ có tại các tỉnh thành xung quanh như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Giang, Bắc Ninh,…
“Trong ngắn hạn, nguồn cung vẫn khó có thể bật tăng. Do số lượng dự án nhà ở thương mại được cấp phép mới rất ít và đang ngày càng có xu hướng sụt giảm, đặc biệt là phân khúc bình dân, trung cấp. Nút thắt về pháp lý khiến cơ quan quản lý Nhà nước thận trọng hơn trong việc phê duyệt dự án. Vướng mắc pháp lý khiến doanh nghiệp gặp khó khăn về đầu ra, không có nguồn lực để trả nợ và phát triển dự án mới”, Vars nhận định.
Minh Quân