- Trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất quan trọng của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp cần một lượng vốn lớn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi kinh tế hồi phục, kênh trái phiếu doanh nghiệp càng trở nên quan trọng hơn.
Ngày 4/12, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm: "Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững". Tại đây, những vấn đề đặt ra để thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh và minh bạch, đóng góp cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế được các chuyên gia phân tích.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có những dấu hiệu tích cực
Chia sẻ khái quát về những kết quả nổi bật của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương cho biết, từ sau các vụ việc trên thị trường tài chính tháng 10/2022, cùng với diễn biến xấu trên thị trường tài chính trong và ngoài nước, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bị tác động nặng nề, nhà đầu tư mất niềm tin, doanh nghiệp bị áp lực phải mua lại trái phiếu đã phát hành cũng như không phát hành được trái phiếu mới để huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo quyết liệt trong các lĩnh vực có liên quan đến thị trường này, từ việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đến duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh cũng như các thị trường có liên quan tới thị trường trái phiếu như thị trường bất động sản, thị trường tín dụng, thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ của Nhà nước.
“Trong số các chính sách đó, chúng tôi thấy việc Chính phủ khẩn trương và kịp thời ban hành Nghị định 08, trong đó có chính sách hoãn thực hiện số quy định của Nghị định 65 cũng như chính sách cho phép doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư có thể có các cơ chế đàm phán, giãn, hoãn và hoán đổi trái phiếu đã phát hành trên tinh thần rủi ro chia sẻ, lợi ích hài hòa giữa các bên”, ông Nguyễn Hoàng Dương cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Dương, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 08, thị trường đã có những dấu hiệu tích cực hơn, DN đã quay lại phát hành được trái phiếu, quý I hầu như không có đợt phát hành nào nào, từ quý II trở đi, tháng sau khối lượng phát hành đều cao hơn tháng trước. Tới hết tháng 11, có 77 DN phát hành khối lượng khoảng 220.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, căn cứ các quy định của Nghị định 08, DN và nhà đầu tư trái chủ đã rất nỗ lực thực hiện đàm phán thanh toán trái phiếu đến hạn. Qua theo dõi, có khoảng 40% khối lượng trái phiếu chậm trả của 68 DN thì đến nay đã có phương án đàm phán, tỉ lệ đàm phán thành công tăng từ 16% tháng 2/2023 lên 63% vào tháng 10/2023.
“Chúng tôi nghĩ rằng, TPDN là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất quan trọng của DN. Việc phát triển thị trường TPDN cũng là để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước để từng bước phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng. Trong thời gian tới, khi DN cần một lượng vốn lớn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi kinh tế hồi phục, kênh TPDN càng trở nên quan trọng hơn”, ông Nguyễn Hoàng Dương chia sẻ.
Những chính sách quyết định phục hồi thị trường trái phiếu
Cũng liên quan đến đà hồi phục của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, thời gian qua Chính phủ đã có những nhóm chính sách quyết định phục hồi thị trường này.
Thứ nhất là, Nghị định 08 tháo gỡ những cái đang vướng mắc, khó khăn như Cho phép giãn hoãn, quay vòng... với những điều kiện mới thuận lợi hơn so với trước đây.
Thứ hai là đưa vào vận hành hệ thống TPDN riêng lẻ tập trung. Đây là điểm quan trọng làm tăng thanh khoản. Theo thống kê của HNX, đã có khoảng 760 mã TPDN của khoảng 200 tổ chức phát hành được đưa lên hệ thống này, qua đó tăng thanh khoản cho thị trường, tăng khoảng 20-30 lần so với giai đoạn trước. Điều này rất quan trọng, tăng công khai minh bạch cho thị trường.
Thứ ba, chúng ta đã phát triển một số điều kiện tiến tới thị trường lành mạnh hơn, ví dụ thêm tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã bắt đầu vận hành. Đặc biệt, các vụ việc vi phạm TPDN đã được xử lý quyết liệt vừa qua. Các chính sách đó dẫn đến thị trường TPDN đang phục hồi, số liệu đến nay đã phát hành khoảng 240 nghìn tỷ đồng, trong đó có 220 nghìn tỷ đồng phát hành TPDN riêng lẻ, 20 nghìn tỷ đồng phát hành trái phiếu ra công chúng, chỉ giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng sau cao hơn tháng trước, tháng 10 đã phát hành 41 nghìn tỷ đồng, tháng 9 đã phát hành là 29,5 nghìn tỷ đồng, tháng 8 đã phát hành 25 nghìn tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước cũng cao hơn, ví dụ, tháng 11 có khoảng 30 nghìn tỷ đồng, gấp 15 lần so với tháng 11 cùng kỳ năm trước. “Rõ là thị trường phục hồi, tuy còn rào cản, nhưng thị trường đang phục hồi tích cực, niềm tin phục hồi trở lại... Đây là các dấu hiệu giúp thị trường phát triển tốt hơn”, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trong năm 2023, để đánh giá khách quan tổng thể kết quả đạt được, ngoài con số đã trao đổi, còn là có dấu ấn điều hành quyết liệt mạnh mẽ, quyết đoán của Chính phủ nổi bật so với trước đây.
Minh Ngọc