- Việc vay vốn trong thực tế không giống như trên... ti vi. Trên ti vi nói rằng ngân hàng đang thừa tiền, rất muốn cho vay nhưng người dân và doanh nghiệp lại không muốn vay. Thế nhưng, bức tranh tiếp cận vốn ngân hàng của cá nhân và doanh nghiệp lại hoàn toàn khác…
Chia sẻ tại tọa đàm về khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản được tổ chức mới đây, ông Vũ Văn Thành, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn VNGroup, cho biết nhiều yếu tố cho thấy việc khơi dòng tài chính cho thị trường bất động sản đang rất khó.
Theo vị CEO công ty bất động sản này, cái khó đầu tiên là mất niềm tin. Người dân hiện giờ không dám bỏ tiền ra mua một khu đất dù giá có rẻ.
Điểm khó thứ hai liên quan đến vấn đề tài chính. "Bên chúng tôi có sở hữu một công ty thẩm định giá nằm trong top 10 của Việt Nam. Câu chuyện định giá để cho vay cũng có vướng mắc. Các thẩm định viên đang rất sợ việc thẩm định giá. Giá lẽ ra được 10 đồng thì nay giảm xuống còn 7 - 8 đồng để an toàn. Đến lượt ngân hàng, cán bộ ngân hàng lại hạ thêm lần nữa. Thay vì giá trị ban đầu 10 đồng, sau các vòng định giá, giá trị doanh nghiệp chỉ còn lại 5 đồng và chỉ vay được từng ấy số tiền. Đó cũng là lý do khiến tắc nghẽn dòng tiền, ngân hàng có tiền nhưng khách hàng không thể vay", CEO VNGroup nêu thực tế.
Điểm khó tiếp theo là chứng minh thu nhập để trả nợ. Ở Việt Nam, có nhiều loại thu nhập khác nhau, thu nhập trên bảng lương, thu nhập khác không thể liệt kê và rất khó để chứng minh trên hồ sơ, giấy tờ. Chính vì thế, nhiều khách hàng không thể chứng minh được thu nhập để đi vay.
Do vậy, theo ông Vũ Văn Thành, để khơi thông dòng tài chính bất động sản cần thực hiện được 3 giải pháp.
Thứ nhất, việc ban hành luật cần khẩn trương và đi sớm vào đời sống.
Thứ hai, cần đảm bảo tính đồng nhất trong truyền thông và điều hành để người dân có niềm tin vào thị trường. "Tại Việt Nam, cứ khoảng 100 người mua bất động sản thì có 15% thực sự hiểu, còn lại mua theo thói quen, niềm tin và không đặt nặng các vấn đề phân tích. Do đó, việc khôi phục niềm tin của người dân là điều quan trọng", ông Vũ Văn Thành nhấn mạnh.
Thứ ba, khắc phục tình trạng nhiều chuyên viên nhà nước không có đủ năng lực, sợ trách nhiệm hoặc tình trạng các doanh nghiệp bất động sản phải “xếp lốp” mới được giải quyết hành chính.
Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 |
Đồng quan điểm, Chủ tịch Tập đoàn G6, ông Nguyễn Anh Quê, cho biết các doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt với khó khăn về nguồn vốn.
Cụ thể, theo ông Quê, “việc vay vốn trong thực tế không giống như trên ti vi. Trên ti vi nói rằng ngân hàng đang thừa tiền, rất muốn cho vay nhưng người dân và doanh nghiệp lại không muốn vay. Thế nhưng, bức tranh tiếp cận vốn ngân hàng của cá nhân và doanh nghiệp lại hoàn toàn khác”.
Dẫn chứng cho nhận định này, ông Quê cho biết vấn đề mua bảo hiểm khi vay vốn ngân hàng vẫn còn rất nặng nề. Cá nhân ông khi vay vốn tại một ngân hàng thuộc top 10 ngân hàng tư nhân đã dính bảo hiểm 1,5% với mức lãi suất thấp nhất là 9,5%. Nếu không phải mua bảo hiểm, lãi suất lại lên tới 12%.
“Tình hình kinh tế đang khó khăn, 12 tháng nữa chưa biết thế nào nhưng treo ngay trên đầu các doanh nghiệp là mức lãi suất một năm trên dưới 10% - 11% rồi”, ông Quê nói.
Theo ông Chủ tịch Tập đoàn G6, không chỉ lãi suất cao, các doanh nghiệp bất động sản còn phải đối mặt với một vấn đề nữa, đó là vướng mắc ở khâu hồ sơ vay. Các doanh nghiệp không có tài sản để vay là một chuyện nhưng có tài sản rồi mà doanh nghiệp vẫn không thể vay, hoặc chỉ vay 10 được 5 lại là một chuyện khác.
“Ví dụ, nhiều khi tôi có 200 tỷ đồng, muốn vay 30 tỷ đồng cũng không vay được vì phải chứng minh dòng tiền, chứng minh lợi nhuận kinh tế trong mấy năm qua. Thế nhưng thực tế nền kinh tế từ năm 2020 đến nay đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế, đại dịch Covid-19. Bây giờ mà cứ loanh quanh câu chuyện về chứng minh tài sản, quỹ đất và hàng loạt thứ khác thì đến bao giờ doanh nghiệp mới có thể vay vốn?”, ông Quê đặt câu hỏi.
Một vướng mắc nữa mà ông Quê chỉ ra đó là tình trạng sợ trách nhiệm, không chỉ ở bộ máy nhà nước mà còn ở các ngân hàng. Để giải quyết được những khó khăn nên trên, ông Quê cho rằng cần phải hành động ngay và luôn.
“Ít nhất là đến năm 2027, thị trường bất động sản mới tháo gỡ được vấn đề về nguồn cung. Trong thời gian chờ đợi, nếu chúng ta làm tốt được phần văn bản, ban hành, sửa đổi Luật Đất đai; chỉ đạo đồng nhất từ trên xuống dưới thì đến giữa năm 2024 dòng tiền có thể chảy trong thị trường bất động sản”, ông nói.
Liên quan đến việc này, chiều 7/9, tại Hội nghị về giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã phải thốt lên rằng, toàn hệ thống ngân hàng đang phải “chữa bệnh thừa tiền”.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết, chưa bao giờ điều hành tín dụng khó như bây giờ. Hiện nay, toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, thì các ngân hàng thương mại cũng đang "tồn kho tiền".
Dù Ngân hàng Nhà nước cùng với toàn hệ thống tín dụng liên tục tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, để lắng nghe ý kiến, rà soát, điều chỉnh quy định pháp lý, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm lãi suất cho vay,… nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn, bởi doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, "không muốn vay". Chữa căn bệnh thiếu tiền dễ hơn thừa tiền. Đây là vấn đề rất khó.
Minh Quân