Hàng nghìn tỷ đồng đã được các ngân hàng chi ra để mua lại trái phiếu trước hạn trong tháng cuối năm.
Cụ thể, theo công bố từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa mua lại trước hạn toàn bộ 500 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của mã OCBL2124011. Lô trái phiếu được phát hành ngày 15/12/2021 với thời hạn 3 năm, lãi suất cố định 3,2%/năm, là trái phiếu không chuyển đổi, không có đảm bảo và không kèm theo chứng quyền. Trước đó, OCB đã mua lại trước hạn toàn bộ 14 lô trái phiếu được phát hành trong năm 2021 và 2022 với tổng giá trị theo mệnh giá là 12.400 tỷ đồng.
Còn tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank), toàn bộ 2 lô trái phiếu mã LPBH2124014 và LPH2124015 phát hành hồi tháng 12/2021 với thời hạn 3 năm cũng đã được tất toán trước hạn. Với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tương ứng tổng giá trị trái phiếu LPBank mua lại lên tới 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, LPBank còn vừa nhận được thông báo của HNX về việc hủy niêm yết đối với trái phiếu LPB121035. Lý do hủy là trái phiếu niêm yết được tổ chức phát hành mua lại toàn bộ trước thời gian đáo hạn. Đây là lô trái phiếu được phát hành ngày 30/12/2021 có kỳ hạn 7 năm với tổng giá trị hơn 1.385 tỷ đồng.
Hồi tháng 7 vừa qua, LPBank đã chi hơn 4.100 tỷ đồng để mua lại 4 lô trái phiếu trước hạn.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) đã tiến hành 3 đợt mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị là 1.500 tỷ đồng. Bao gồm: 200 trái phiếu mã VIB_BOND_L1_2017_003 phát hành ngày 14/12/2017; 800 trái phiếu VIB_BOND_L1_2017_002 phát hành ngày 13/12/2017 và 500 trái phiếu VIB2128020 phát hành ngày 13/12/2021. Cả 3 lô trái phiếu trên đều có kỳ hạn 7 năm và mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu.
Kể từ đầu năm đến nay, VIB đã có 17 đợt mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị mua lại lên tới 6.000 tỷ đồng.
Cũng trong 2 tháng cuối năm, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiến hành mua lại trước hạn 3 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.300 tỷ đồng. Theo đó, Vietcombank đã mua lại trước hạn toàn bộ 600 tỷ đồng trái phiếu VCBH2128006; 200 tỷ đồng lô trái phiếu VCBH2128002 và 500 tỷ đồng trái phiếu mã VCBH2128004.
Ở chiều ngược lại, nhiều ngân hàng trong số trên cũng vừa công bố phát thành công hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu. Trong đó, OCB đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng lô trái phiếu OCBL2326015 vào ngày 14/12 vừa qua. Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu OCB huy động đã lên tới 17.350 tỷ đồng.
Tuy nhiên, con số có thể chưa dừng lại ở đó. Theo nghị quyết về việc chào bán và phát hành trái phiếu riêng lẻ công bố hồi tháng 6, OCB dự kiến sẽ phát hành tối đa 26.000 trái phiếu thành 15 đợt trong quý II, III và IV/2023, giá trị mỗi đợt từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật.
Với mệnh giá tương ứng 1 tỷ đồng/trái phiếu, nếu phát hành thành công, OCB sẽ huy động về 26.000 tỷ đồng.
Tương tự, VIB ngày 12/12 vừa qua đã phát hành 790 tỷ đồng trái phiếu VIBL2330005 với lãi suất 8%/năm, kỳ hạn 7 năm. Qua đó nâng tổng giá trị huy động từ trái phiếu của ngân hàng này lên thành 8.500 tỷ đồng kể từ đầu năm đến nay.
Không riêng OCB hay VIB, Vietcombank cũng có kế hoạch phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ trong tháng 12/2023 với kỳ hạn tối đa 6 năm, lãi suất thả nổi.
Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), cập nhật đến hết 11 tháng năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 247.590 tỷ đồng, gồm 28 đợt phát hành ra công chúng trị giá 27.071 tỷ đồng, chiếm 10,9% tổng giá trị phát hành và 210 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 220.520 tỷ đồng, chiếm 89,1% tổng giá trị phát hành. Trong đó, ngành ngân hàng chiếm đa số với 120.058 tỷ đồng, tương đương 48,6% tổng giá trị phát hành kể từ đầu năm.
Theo Báo tin tức
https://baotintuc.vn/tai-chinh-ngan-hang/ngan-hang-chi-hang-nghin-ty-dong-mua-lai-trai-phieu-truoc-han-20231224072928842.htm