- Chương trình Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại vừa diễn ra tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Chương trình được triển khai theo Quyết định số 2924/QĐ-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2023 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức.
Diễn ra từ 8:00 - 17:00 ngày thứ Năm, 30/11/2023 vừa qua, hoạt động đã thu hút được sự tham gia của hàng trăm đại biểu và gần 50 doanh nghiệp trưng bày với nhiều nhóm hàng hóa sản phẩm và dịch vụ đa dạng như: Nhóm các nhà cung cấp: là những doanh nghiệp sản xuất nhiều sản phẩm hàng hóa tiêu biểu của Việt Nam tới từ một số tỉnh thành trong nước; Nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu: là những doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu hoặc cung cấp các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ hoạt động xuất khẩu trực tuyến; Nhóm các doanh nghiệp cung cấp giải pháp xúc tiến thương mại ứng dụng thương mại điện tử: là những doanh nghiệp công nghệ cung cấp các giải pháp kinh doanh trực tuyến cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam |
Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2023. Bên cạnh những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cùng với nhiều yếu tố bất lợi trong nước đã tác động tiêu cực tới sự phát triển của kinh tế và thương mại nước ta, đặc biệt là những tháng cuối năm 2022 và kéo dài sang năm 2023. Tuy nhiên, tiếp tục hai làn sóng tăng trưởng trước đó, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) ước tính thương mại điện tử nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD.
Hai dấu ấn quan trọng nhất của TMĐT hiện nay có thể kể đến đó là số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng lên cả về số lượng và chất lượng: i) Người tiêu dùng mua nhiều hơn, giá trị mua hàng càng ngày càng cao lên; ii) Đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến hơn.
Thương nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp thương mại điện tử đã tích cực chuyển đổi số: Chuyển đổi số để thích nghi với đại dịch cũng như chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”.
Tuy nhiên mặc dù lĩnh vực xuất khẩu được đánh giá là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam nhưng do tác động hậu COVID-19 và những hệ lụy kéo theo, lĩnh vực xuất nhập khẩu những năm qua cũng chịu nhiều tác động lớn, đặc biệt khi việc di chuyển kết nối giao thương bị hạn chế càng tác động tiêu cực hơn tới quy mô và tốc độ tăng trưởng của ngành.
Do đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã năng động ứng dụng các giải pháp kinh doanh online thông qua TMĐT, mở rộng kênh tiếp cận với khách hàng trong và ngoài nước với mức chi phí thấp và hiệu quả cao. Lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến cũng đang dần trở thành một xu hướng thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong ngành thời gian vừa qua.
Chương trình gồm hai phần:
- Phần 1: Khu trưng bày, triển lãm để giới thiệu sản phẩm và kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp, doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp thương mại điện tử và các đơn vị hỗ trợ xúc tiến thương mại.
- Phần 2: Hội thảo chuyên đề về Tiếp thị trực tuyến và các xu hướng mới trong lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến. Hội thảo gồm 3 phiên:
Phiên 1 - Tổng quan trị trường tiêu dùng số: chia sẻ những góc nhìn chuyên gia về thị trường tiêu dùng online và đánh giá về những xu hướng hay thị trường xuất khẩu tiềm năng.
Phiên 2 - Xu hướng xuất khẩu 2023: chia sẻ về các xu hướng xuất khẩu B2B hoặc B2C hiện nay, các giải pháp công nghệ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh TMĐT nói chung và xuất khẩu trực tuyến.
Phiên 3 - Digital Marketing bứt phá doanh thu: Chia sẻ các công cụ tiếp thị trực tuyến và những giải pháp giúp doanh nghiệp bứt phá doanh thu trong những đợt sale lớn, định hướng thị trường và giải pháp xuất khẩu trực tuyến B2C dịp cuối năm 2023, đầu năm 2024.
Phạm Lê