- Trong bối cảnh đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến công, tạo động lực phát triển bền vững công nghiệp nông thôn trong tình hình mới, Bộ trưởng cũng giao những nhiệm vụ trọng tâm cho các đơn vị liên quan.
Ngày 14/12/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã phân tích, đánh giá những kết quả nổi bật của công tác khuyến công trong 10 năm qua, đó là: Đã động viên, huy động được các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN và các dịch vụ khuyến công, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, đã ban hành được cơ chế khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở SXCN, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên nhiên vật liệu, giảm thiểu phát thải, cải thiện chất lượng môi trường…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khuyến công ở Trung ương và địa phương thời gian qua. Bộ trưởng đề nghị, với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, Cục Công Thương địa phương và các đơn vị chức năng có liên quan của các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá, xác định rõ các nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, nhất là nguyên nhân chủ quan để từ đó có giải pháp phù hợp, khả thi, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong các hoạt động khuyến công thời gian tới.
Bộ trưởng cũng gợi mở những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp lớn cần triển khai thực hiện nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến công thời gian tới, tạo động lực phát triển bền vững công nghiệp nông thôn trong tình hình mới; trong đó nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến phát triển công nghiệp nông thôn nhất là Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để từ đó đề xuất, kiến nghị, tham mưu với Chính phủ chỉ đạo xây dựng và ban hành Nghị định mới về khuyến công, bảo đảm đủ mạnh và khả thi, tạo động lực phát triển bền vững công nghiệp nông thôn trong giai đoạn tới, đóng góp tích cực hơn vào quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và phát triển kinh tế ở các địa phương.
Thứ 2, trong thời gian chưa có Nghị định mới về khuyến công, đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm bố trí tăng nguồn vốn NSNN và chú trọng lồng ghép với các chương trình mục tiêu khác để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn cho hoạt động khuyến công. Đồng thời, chủ động rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách của địa phương, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Thứ 3, tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khuyến công theo chuỗi ngành hàng và chuyển đổi số. Triển khai các hoạt động khuyến công đồng bộ với các chương trình hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, ưu đãi đầu tư, tín dụng và đặc biệt là khoa học và công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Tiếp tục đẩy mạnh công tác bình chọn, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhằm phát hiện, tôn vinh và hỗ trợ phát triển những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, góp phần phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Thứ 4, nghiên cứu kiện toàn, sắp xếp tổ chức hệ thống khuyến công theo hướng thống nhất giữ tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp để thực hiện nhiệm vụ về khuyến công ở Sở Công Thương các địa phương để thuận lợi trong triển khai các hoạt động khuyến công, khuyến thương có tính kỹ thuật đặc thù của ngành Công Thương; đồng thời, quan tâm tăng cường đầu tư, nâng cấp trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc của các đơn vị thực hiện nhiệm vụ khuyến công, khuyến thương. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ làm công tác khuyến công, khuyến thương có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thứ 5, thiết lập cơ chế phối hợp, phân cấp giữa các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương và tăng cường sự phối hợp hoạt động của các cơ quan QLNN với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức hiệp hội trong hoạch định, thực thi chính sách và thúc đẩy, nâng cao hiệu quả các hoạt động khuyến công, khuyến thương từ trung ương đến địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của công tác khuyến công, khuyến thương trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo đồng thuận xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện.
Yến Nhi