- Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản mặc dù đã được cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Tăng trưởng tín dụng thấp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tiếp tục khó khăn, nợ xấu có xu hướng gia tăng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 1177/CĐ-TTg ngày 23/11/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững.
Công điện nêu, thời gian qua, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai quyết liệt các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững.
Qua đó, tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp từng bước đi vào ổn định, thị trường bất động sản đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả, kịp thời, quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững, gắn với đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, tiếp tục triển khai mạnh mẽ điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tiền tệ để thúc đẩy đầu tư, nhất là đầu tư ngoài nhà nước, đẩy mạnh đầu tư công phục vụ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong cuối năm 2023 và năm 2024; chủ động xây dựng kịch bản, đánh giá tác động và có phương án, biện pháp cụ thể, hiệu quả xử lý theo thẩm quyền, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ; không để bị động, bất ngờ và tiêu cực đến phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế.
Theo dõi sát, đánh giá chính xác khả năng, phương án thanh toán của doanh nghiệp phát hành, nhất là các doanh nghiệp còn khó khăn và có thể có rủi ro về khả năng trả nợ để chủ động có biện pháp, giải pháp phù hợp theo thẩm quyền nhằm ổn định thị trường, yêu cầu doanh nghiệp ưu tiên nguồn lực thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, các chủ thể liên quan và an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ theo đúng quy định pháp luật hiện hành, có các giải pháp thiết thực, hiệu quả để củng cố, tăng cường và khôi phục niềm tin nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn, minh bạch, lành mạnh, bền vững.
Khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2023 và các văn bản có liên quan quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; đánh giá rõ sự cần thiết, đề xuất cụ thể phương án, cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời theo quy định của pháp luật theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 3580/VPCP-KTTH ngày 02 tháng 10 năm 2023, báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ, không để chậm trễ ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường.
Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất có thể đã đề ra, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (nhất là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...), kiểm soát tín dụng chặt chẽ, xử lý kịp thời, phù hợp, hiệu quả đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Theo dõi sát, chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng bất động sản để có các giải pháp vừa đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng, vừa góp phần giải quyết khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tTăng cường thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến dự án bất động sản, kịp thời hướng dẫn các vướng mắc và kiên quyết xử lý các trường hợp gây khó khăn, phiền hà, xử lý lòng vòng gây chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời hướng dẫn các địa phương giải quyết các vướng mắc liên quan đến giao đất, cho thuê đất, nhất là xác định giá đất, quản lý, sử dụng đất. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các thủ tục xác định giá đất cho các dự án bất động sản, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp gây khó khăn, phiền hà, xử lý lòng vòng làm chậm trễ và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy nhanh việc lập, phê duyệt các quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, nông thôn làm cơ sở để triển khai các dự án bất động sản hiệu quả, phù hợp, đồng bộ, hiện đại. Công bố công khai Danh mục dự án bất động sản phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để các doanh nghiệp có đầy đủ thông tin, chủ động nghiên cứu, đăng ký tham gia đầu tư một cách công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh theo quy luật thị trường.
Minh Ngọc