- Tập đoàn Bcons của doanh nhân Lê Như Thạch ghi nhận các khoản phải thu về cho vay lên tới 1.293 tỷ đồng, chiếm gần nửa tổng tài sản công ty. Chủ tịch Lê Như Thạch là một trong những người vay trăm tỷ đồng của tập đoàn.
Bcons Polaris - một trong những dự án của Bcons Group |
Cuối năm 2022, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bcons (Tập đoàn Bcons) có 1.147 tỷ đồng phải thu về cho vay ngắn hạn, tăng 1.017 tỷ đồng, tương đương 782% so với cuối năm 2021. Ngoài ra, công ty còn có 146 tỷ đồng phải thu về cho vay dài hạn.
Như vậy, tổng số tiền phải thu về cho vay của Bcons lên đến 1.293 tỷ đồng, chiếm 44,9% tổng tài sản.
Công ty cổ phần Địa ốc Bcons (Địa ốc Bcons) là “con nợ” ngắn hạn lớn nhất của Bcons với khoản vay lên đến 449 tỷ đồng. Đứng sau là ông Ngô Lưu Bình (443 tỷ đồng), ông Lê Như Thạch (185 tỷ đồng) và Công ty cổ phần Bất động sản Phú Mỹ Hiệp (70,4 tỷ đồng).
Về vay dài hạn, Phú Mỹ Hiệp là “con nợ” lớn nhất với 117 tỷ đồng. Đứng sau là Địa ốc Bcons (24,5 tỷ đồng), Công ty cổ phần Bất động sản Bcons Land (4,5 tỷ đồng).
Đáng chú ý, bức tranh tài chính các doanh nghiệp trên tồn tại một số vấn đề.
Địa ốc Bcons thành lập năm 2017 với người đại diện pháp luật là ông Ngô Lưu Bình. Ông Ngô Lưu Bình cũng vay Bcons tới 443 tỷ đồng. Trước khi được Bcons cho vay vốn, Địa ốc Bcons đã gánh khoản nợ rất lớn. Hồi cuối năm 2021, nợ phải trả của Địa ốc Bcons lên đến 2.250 tỷ đồng, cao gấp 6,8 lần vốn chủ sở hữu.
Trong khi đó, Công ty Phú Mỹ Hiệp thành lập năm 2019. Quy mô vốn Phú Mỹ Hiệp khá thấp, chỉ 20 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với khoản nợ gần 190 tỷ đồng.
Bcons Land có bức tranh tài chính khá kém. Kể từ khi thành lập đến năm 2021, công ty chưa hề phát sinh doanh thu, đồng thời gánh các khoản lỗ là 96,1 triệu đồng (năm 2019) và 5,1 tỷ đồng (năm 2021).
Hồi cuối năm 2019 và 2020, nợ phải trả của công ty này lần lượt cao gấp 7 lần và 16,9 lần vốn chủ sở hữu.