- Trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, biến động khó lường, việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Phát biểu tại Hội thảo Phát triển bền vững 2023 với chủ đề “Trách nhiệm - Hành động của chúng ta” diễn ra sáng 16/11, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, kinh tế thế giới trong giai đoạn tới dự kiến sẽ có sự thay đổi nhanh chóng với nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với những hậu quả do dịch Covid-19 để lại, bao gồm sự suy giảm tăng trưởng kinh tế, bất ổn về chính trị, lạm phát và giá cả hàng hóa tăng cao sau những nỗ lực kích cầu tại nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, xu hướng khu vực hóa, phong trào dân tộc cực đoan, xung đột địa - chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang tạo ra các thách thức to lớn đối tiến trình phát triển bền vững của toàn cầu.
Không chỉ vậy, thế giới cũng đang phải đối mặt với nguy cơ nạn đói bùng phát, bất bình đẳng gia tăng, tỷ lệ người nghèo trên toàn cầu tăng lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ. Hệ sinh thái đại dương và rừng bị đe dọa; đa dạng sinh học suy giảm với tốc độ chưa từng có; ô nhiễm môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Trên phương diện toàn cầu, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tạo điều kiện cho dịch chuyển ngày càng tự do và trên quy mô lớn, các nguồn lực phát triển (vốn, công nghệ, nhân lực…). Quá trình đó tạo ra áp lực đòi hỏi các quốc gia phải liên tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, phát triển nhân lực chất lượng cao, đầu tư hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông, viễn thông cũng như hệ thống hạ tầng kết nối các vùng miền trong mỗi quốc gia, đảm bảo khai thác tốt hơn tiềm năng của các vùng lãnh thổ.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội thảo |
Các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng... tác động ngày càng sâu rộng đến phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, đòi hỏi các quốc gia phải chung tay xây dựng và triển khai các biện pháp và huy động nguồn lực để ứng phó.
Còn với trong nước, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, thực trạng tăng trưởng kinh tế đang phải đối mặt với các thách thức như: năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu; phát triển khoa học công nghệ còn hạn chế chưa tạo thành động lực tăng trưởng; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào sự gia tăng đầu tư, trong khi nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội rất lớn, nguồn vốn nhà nước, vốn ưu đãi và viện trợ đều có xu hướng giảm.
Quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra nhanh, tạo sức ép lớn về nhu cầu phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường. Thách thức về khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước, tài nguyên và đất đai. Thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng nhanh, khốc liệt và khó lường, ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của người dân.
Các áp lực về chuyển đổi phương thức phát triển, đặc biệt là cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 trong bối cảnh thiếu hụt về tài nguyên, năng lượng, trình độ phát triển KH&CN còn thấp… sẽ đặt nền kinh tế Việt Nam trước nhiều thách thức. Tuy nhiên, những phương thức và mô hình phát triển mới như: tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… cùng với tiến bộ KH&CN đang mang lại cho nền kinh tế Việt Nam nhiều sự lựa chọn để tăng trưởng nhanh và bền vững.
Tại Hội thảo, ông Lê Trọng Minh - Tổng biên tập báo Đầu tư cho hay, hai năm qua, câu chuyện được nói rất nhiều đó là về cam kết mang tính lịch sử này, nhấn mạnh về các lộ trình để thực hiện cam kết, các vấn đề liên quan đến giảm dấu chân carbon, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, phát triển bao trùm và bền vững… Nhưng giờ đây, điều mà cả thế giới quan tâm không chỉ là cam kết, là trách nhiệm, mà hơn hết là hành động như thế nào?
Theo ông Lê Trọng Minh, đã đến lúc chúng ta phải hành động vì một hành tinh xanh hơn, vì một không gian sinh tồn bền vững và hạnh phúc cho tất cả các thế hệ mai sau. Đó chính là một trong những lý do quan trọng khiến chúng tôi quyết định chọn chủ đề của Hội thảo Phát triển bền vững năm nay là “Trách nhiệm của chúng ta - Hành động của chúng ta”. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết đối với Việt Nam, một nền kinh tế đang phát triển, đồng thời cũng là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là xu thế tất yếu mà bất kỳ các quốc gia nào đều phải thực hiện để giải quyết các vấn đề về khí hậu, môi trường, đồng thời đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Chỉ còn 27 năm để thực hiện tham vọng của mình, nếu không hành động ngay từ bây giờ, Việt Nam sẽ bị đuối sức trong cuộc chơi toàn cầu.
Là một nước đang phát triển, còn rất nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã đưa ra các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu như các nước phát triển, do đó, Việt Nam cần bước đi, lộ trình phù hợp và cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nước phát triển, các đối tác về nguồn vốn, đào tạo nhân lực, xây dựng thể chế, công nghệ, quản trị. Đồng thời, chúng ta cũng cần có một cộng đồng doanh nghiệp có nhận thức cao về trách nhiệm và tích cực hành động, cho dù phải đối mặt với những khó khăn, thử thách lớn về tài lực, nhân lực.
Tại Hội thảo, những chia sẻ của các tổ chức, doanh nghiệp tham dự cũng cho thấy những nỗ lực và trách nhiệm và hành động từ các bên liên quan để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Qua lăng kính và góc nhìn chuyên nghiệp của các nhà hoạch định chính sách, đại diện các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế và đại diện các doanh nghiệp trong ngành ở Việt Nam và quốc tế sẽ mang tới những góc nhìn đa chiều, đa dạng hơn về trách nhiệm và hành động mà chúng ta phải thực hiện để xây dựng một nền kinh tế xanh, hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050, cũng như làm sao để nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam trước các cuộc khủng hoảng về sức khỏe, năng lượng hay bất ổn chính trị có thể xảy đến trong tương lai.
Ông Nguyễn Duy Thuận, CEO của Tập đoàn Lộc Trời cho hay, năm 2030, Việt Nam dự báo tạo ra 120 triệu tấn khí thải carbon, trong đó trồng lúa chiếm một nửa lượng khí thải. Vai trò của Lộc Trời cũng như người nông dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long là hành động vì biết rằng chúng tôi sẽ đóng góp rất nhiều vào phát thải nhà kính của Việt Nam. Lộc Trời hiện đang triển khai trồng lúa trên 2 triệu hecta. Có 1 triệu hộ nông dân đang làm việc trong hệ thống quản lý nông nghiệp của Lộc Trời. Chúng tôi có 5 đơn vị kinh doanh bao gồm viện nghiên cứu nông nghiệp; các cơ sở sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, giống để cung cấp đầu vào cho nông dân; các đơn vị cung cấp dịch vụ nông nghiệp, chăm sóc mùa màng; một đơn vị làm giống và cung cấp khoảng 50% giống cho Đồng bằng Sông Cửu Long; công ty lương thực sản xuất khoảng 2 triệu tấn gạo mỗi năm.
Để có thể giảm phát thải khí nhà kính, theo CEO của Tập đoàn Lộc Trời, doanh nghiệp đang cải tiến các sản phẩm sinh học, áp dụng kinh tế tuần hoàn và phát triển xanh. Mục tiêu của Lộc Trời là tạo ra 10 triệu chứng chỉ carbon ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Về sinh học, Lộc Trời đưa ra cam kết với Bộ Nông nghiệp sẽ cân bằng được 3 yếu tố hóa học, sinh học và hữu cơ trong bộ sản phẩm chăm sóc mùa vụ. Thứ 2 là sản phẩm tuần hoàn như nhựa sinh học sản xuất từ trấu và gạo nếp. Đối với phát triển xanh, Lộc Trời đã đạt được tiêu chí carbon và thương mại hóa cho thị trường quốc tế.
Với quan điểm nhà bán lẻ thúc đẩy tiêu dùng bền vững và lối sống xanh, bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ - Giám đốc Nhân sự, Truyền thông và Đối ngoại AEON Việt Nam cho hay, “chiến lược xanh” được xem là một trong những trọng tâm phát triển trong tầm nhìn trung hạn của Tập đoàn AEON. Thông qua chiến lược phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột: Kinh tế, Môi trường và Xã hội, nhà bán lẻ này không ngừng triển khai nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy khách hàng lựa chọn các giải pháp tiêu dùng bền vững và “xanh” hóa phong cách sống; đồng thời tìm kiếm sự hợp tác cùng kiến tạo giá trị chung với các đối tác địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Theo ông Phạm Duy Khiêm, Giám đốc, Quản lý Chuỗi cung ứng Toàn quốc, DKSH Việt Nam - doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trên 4 ngành hàng chính: Hàng Tiêu Dùng, Chăm Sóc Sức Khoẻ, Nguyên Liệu Hóa Chất, và Kỹ Thuật Công Nghệ cho hay, DKSH xác định tầm nhìn "Luôn là đối tác tin cậy" cho các đối tác kinh doanh, khách hàng và nhà cung cấp. Bên cạnh đó, công ty cũng vận hành với mục tiêu nâng cao cuộc sống của tất cả mọi người tại cộng đồng mà chúng tôi có hoạt động kinh doanh trên toàn cầu. Là thành viên của Hiệp ước Toàn cầu Liên Hợp Quốc (United Nations Global Compact), chúng tôi cam kết mạnh mẽ hoạch định chiến lược và hoạt động với các chuẩn mực cao nhất về quyền con người, lao động, môi trường, chống tham nhũng và hành động cho các mục tiêu chung của cộng đồng. Hằng năm, DKSH đều có công bố báo cáo phát triển vững. Năm 2022, Tập đoàn DKSH dành giải thưởng danh giá của EcoVadis, nằm trong top 5% các công ty có những sáng kiến phát triển bền vững trong ngành.
Phạm Lê