- Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Điện thoại các loại và linh kiện; Nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày… là những mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2023.
Theo Tổng cục Hải quan, trị giá nhập khẩu hàng hóa trong tháng 10 đạt 29,52 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước, tương ứng tăng 1,04 tỷ USD. So với tháng thấp nhất trong năm, trị giá nhập khẩu của tháng 10 đã tăng 28,7%, tương ứng tăng 6,59 tỷ USD.
Như vậy, tính đến hết tháng 10/2023, trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 266,87 tỷ USD, giảm 12,2% tương ứng giảm 37,07 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó giảm mạnh nhất là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện, giảm 10,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, nhóm trị giá nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng 10 đạt 8,47 tỷ USD, giảm nhẹ 1,5% tương ứng giảm 128 triệu USD so với tháng trước. Trong 10 tháng/2023, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 71,29 tỷ USD, tăng 1,2% tương ứng tăng 836 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường chính cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam bao gồm Hàn Quốc đạt 23,04 tỷ USD, tăng 15,1%; Trung Quốc đạt 18,85 tỷ USD, giảm 8,5%; Đài Loan đạt 8,55 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện, trong tháng 10, trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này đạt 1,06 tỷ USD, tăng 11,7% so với tháng trước (tương ứng tăng 111 triệu USD). Tính đến hết tháng 10/2023, nhập khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 7,11 tỷ USD, chỉ bằng 1/3 trị giá nhập khẩu 10 tháng/2022 .
Thị trường chính cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 10 tháng là Trung Quốc với 5,92 tỷ USD, giảm 13,5%, tương ứng giảm 926 triệu USD và chiếm 83% trị giá nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện của cả nước.
Riêng nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 10/2023 đạt 2,04 tỷ USD, xấp xỉ với mức nhập khẩu của tháng 9. Tính chung, lũy kế trong 10 tháng/2023, nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày đạt 19,81 tỷ USD, giảm 16,9% (tương ứng giảm 4,01 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may, da giày nhập khẩu vào Việt Nam trong 10 tháng/2023 chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm tỷ trọng tới 51%, với 10,44 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, đối với nhóm hàng dầu thô, lượng nhập khẩu dầu thô trong tháng đạt 1,22 triệu tấn, tăng 199,3% so với tháng trước với trị giá là 868 triệu USD, tăng 209,7% (tương ứng tăng 588 triệu USD). Tính đến hết tháng 10/2023, Việt Nam đã nhập khẩu 9,02 triệu tấn dầu thô với trị giá là 5,7 tỷ USD, tăng 11,6% về lượng nhưng giảm 10% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu dầu thô từ thị trường Cô-oét với 7,15 triệu tấn, tăng 4,5% và chiếm gần 80% lượng nhập khẩu dầu thô của cả nước.
Đối với nhóm hàng xăng dầu các loại, lượng nhập khẩu xăng dầu các loại trong tháng 10/2023 đạt 756 nghìn tấn, giảm 8,4% so với tháng trước với trị giá là 684 triệu USD, giảm 12,7% (tương ứng giảm gần 100 triệu USD).
Trong 10 tháng/2023, Việt Nam đã nhập khẩu 8,79 triệu tấn xăng dầu các loại, với trị giá là 7,34 tỷ USD, tăng 22,2% về lượng nhưng giảm 0,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, lượng dầu diesel nhập về đạt 4,92 triệu tấn, tăng 24,5%, chiếm 56% lượng xăng dầu các loại nhập khẩu của cả nước; lượng xăng nhập về đạt 1,78 triệu tấn, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 20% lượng xăng dầu các loại nhập khẩu của cả nước.
Lượng nhập khẩu xăng dầu các loại vào Việt Nam trong 10 tháng/2023 tăng mạnh ở hầu hết các thị trường chính. Cụ thể, Hàn Quốc là 3,53 triệu tấn, tăng 28,5%; Singapo là 1,91 triệu tấn, tăng 73%; Malaysia là 1,62 triệu tấn, tăng 48,3%; Trung Quốc là 850 nghìn tấn, giảm 11,3% so với 10 tháng/2022.
Cùng với các nhóm hàng trên, lượng nhập khẩu phân bón các loại trong tháng 10/2023 đạt 412 nghìn tấn, giảm 12,6%, đạt trị giá 142 triệu USD, giảm 9,4% tương ứng giảm 15 triệu USD so với tháng trước. Trong 10 tháng, cả nước đã nhập khẩu 3,36 triệu tấn phân bón các loại đạt trị giá 1,14 tỷ USD, tăng 21,3% về lượng nhưng giảm 12,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu phân bón các loại từ thị trường chính là Trung Quốc đạt 1,63 triệu tấn, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm gần 50% tổng lượng nhập khẩu hàng hóa này của cả nước.
Một nhóm hàng cũng có trị giá nhập khẩu lớn là ô tô. Theo đó, trị giá nhập khẩu ô tô nguyên chiếc và linh kiện phụ tùng ô tô trong tháng 10 đạt 647 triệu USD, tăng 29,6% tương ứng tăng 148 triệu USD so với tháng trước. Tính đến hết tháng 10/2023, trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này đạt 5,78 tỷ USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 10 đạt 9.612 chiếc, tăng 29,4% so với tháng trước tương ứng tăng 2.182 chiếc. Trong 10 tháng/2023, Việt Nam nhập khẩu 103.778 ô tô nguyên chiếc các loại, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm trước.
Minh Ngọc