- Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde hôm qua (17/11) đã lên tiếng cảnh báo rằng căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng có thể đẩy nhanh quá trình phi toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới và những tác động của quá trình này có thể ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả mọi người.
Theo bà Lagarde, châu Âu hiện đang ở bước ngoặt quan trọng và phải đối mặt với một loạt thách thức chung, bao gồm phi toàn cầu hóa, nhân khẩu học và phi cacbon hóa.
Chủ tịch Ngân hàng ECB Lagarde nói với Đại hội Ngân hàng Châu Âu rằng: “Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang phân mảnh thành các khối cạnh tranh”.
Tập trung vào châu Âu, người đứng đầu ECB chỉ ra sự sụt giảm liên tục của dân số trong độ tuổi lao động, dự kiến sẽ bắt đầu sớm nhất là vào năm 2025.
“Khi các rào cản thương mại mới xuất hiện, chúng ta sẽ cần đánh giá lại chuỗi cung ứng và đầu tư vào những chuỗi cung ứng mới an toàn hơn, hiệu quả hơn và gần nhà hơn. Khi xã hội của chúng ta già đi, chúng ta sẽ cần triển khai các công nghệ mới để có thể tạo ra sản lượng lớn hơn với ít công nhân hơn,” bà nói.
Theo bà Lagarde, các chính phủ đang có mức nợ cao nhất kể từ Thế chiến thứ hai và nguồn vốn cho phục hồi của châu Âu sẽ hết vào năm 2026. “Các ngân hàng sẽ đóng vai trò trung tâm, nhưng chúng ta không thể mong đợi họ phải gánh chịu nhiều rủi ro như vậy", người đứng đầu ECB nhấn mạnh.
Cảnh báo của bà Lagarde được đưa ra sau các báo cáo trước đó của ECB về nền kinh tế toàn cầu đang trải qua thời kỳ “thay đổi mang tính chuyển đổi”. Theo ECB, một thế giới bị phân mảnh sẽ đồng nghĩa với môi trường lạm phát cao hơn và tình trạng tài chính bất ổn.