- Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, xung đột giữa Israel và Hamas đã gây ra hậu quả kinh tế tàn khốc ở Bờ Tây và Gaza, nơi GDP đã giảm 4,2% trong tháng kể từ khi giao tranh nổ ra. Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết thêm rằng 400.000 người đã bị đẩy vào cảnh nghèo đói trong cùng thời gian.
Theo một tài liệu do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và Ủy ban Kinh tế và Xã hội Tây Á (ESCWA) vừa công bố hôm 9/11, “cú sốc” đối với hoạt động kinh tế của Palestine là rất nghiêm trọng. Tài liệu chỉ ra nguyên nhân ra cú sốc là cuộc bao vây toàn diện ở Gaza, sự tàn phá thủ đô, khiến người dân phải di dời và hạn chế các hoạt động di chuyển của cả người và hàng hóa ở Bờ Tây.
Nếu chiến tranh tiếp tục diễn ra trong tháng thứ hai, GDP của Palestine, vốn là 20,4 tỷ USD trước khi chiến tranh bắt đầu, sẽ giảm 8,4%, tương đương 1,7 tỷ USD, Liên Hợp Quốc dự đoán. Nếu xung đột kéo dài sang tháng thứ ba, thiệt hại sẽ lên tới 12,2% GDP, tương đương 2,5 tỷ USD, đẩy hơn 660.000 người vào cảnh nghèo đói.
Các tính toán sơ bộ cho thấy tổn thất GDP tiềm năng lên tới 15% trong một cuộc chiến kéo dài ba tháng so với mức dự kiến cho năm 2023 trước xung đột.
Sự sụt giảm GDP dự kiến là do giảm thương mại, dòng vốn, đầu tư và năng suất trong tương lai, cũng như chi phí sản xuất cao hơn - bao gồm cả chi phí vận tải - và tình trạng mất an ninh tổng thể lớn hơn. Báo cáo cảnh báo những tác động tiêu cực đến sản lượng và năng suất tiềm năng có thể kéo dài trong nhiều năm tới. Hơn nữa, tổng đầu tư dự kiến sẽ giảm tới 15,3% so với ước tính trước chiến tranh vào năm 2023, trong khi tổng xuất khẩu và nhập khẩu dự kiến sẽ giảm lần lượt tới 13,2% và 4%.
Liên Hợp Quốc tuyên bố: “Cuộc chiến đang diễn ra làm tăng khả năng gây ra hậu quả rộng hơn trong khu vực và toàn cầu. Xem xét những hậu quả có thể xảy ra trong khu vực và toàn cầu, cuộc chiến hiện nay có khả năng truyền tác động của nó thông qua giá dầu và khí đốt, vốn đã tăng vừa phải cho đến nay. Báo cáo kết luận: “Sự leo thang hơn nữa có thể dẫn đến giá cả tăng mạnh, dẫn đến chi phí sản xuất và vận chuyển tăng cao, và cuối cùng là lạm phát cao hơn”.