- Cuộc họp sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến tại các điểm cầu Hà Nội và TP.HCM với sự tham gia của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, các ban, ngành và 14 tổ chức tín dụng có dư nợ cho vay bất động sản hơn 20.000 tỷ đồng.
Cụ thể, về phía doanh nghiệp, sẽ có 26 doanh nghiệp bất động sản, trong đó gồm nhiều “ông lớn” như: Vingroup, Sungroup, Novaland, HimLam, Ecopark, Hưng Thịnh, Sunshine, Masterise Homes, Gleximco, Bitexco, Nam Long, Phú Mỹ Hưng, Flamingo, T&T…
Về phía cơ quan nhà nước, tại điểm cầu trung tâm - phòng họp số 1, trụ sở NHNN (số 49 Lý Thái Tổ, Hà Nội) sẽ có sự tham dự của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng, gồm: Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú; Bộ trưởngNguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo: Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp; đại diện lãnh đạo các đơn vị: Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Dự báo thống kê, Vụ Pháp chế, Vụ truyền thông, Văn phòng NHNN.
Ngoài ra, hội nghị còn có sự tham dự của Tổng giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội; Tổng giám đốc của 14 tổ chức tín dụng có trụ sở tại Hà Nội (có dư nợ tín dụng bất động sản trên 20.000 tỷ đồng); đại diện lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và lãnh đạo một số doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản.
Theo nội dung giấy mời được phía Ngân hàng Nhà nước gửi đi trước đó, hội nghị được Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức nhằm triển khai Công điện 933 về tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ảnh minh hoạ |
Trước đó, như chúng tôi đã đưa tin, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc “gỡ khó” cho thị trường bất động sản.
Sau những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương… thị trường bất động sản những tháng gấn đây đã diễn biến theo chiều hướng tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.
Cụ thể, dữ liệu của trang Batdongsan.com.vn cho thấy, sau thời gian trầm lắng kéo dài, từ tháng 7 trở lại đây, thị trường bất động sản bắt đầu có sự hồi phục rõ rệt khi rổ hàng tháng sau được đưa ra thị trường cao hơn tháng trước và lượng giao dịch cũng tăng ở nhiều phân khúc.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý 3 vừa qua, cả nước có 21 dự án nhà ở thương mại với 7.633 căn hoàn thành, tăng 300% so với quý trước đó.
Tương tự, dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai: có 47 dự án với 8.208 căn, tăng 132,28% so với quý 2/2023.
Đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở, trong quý đã hoàn thành 36 dự án với 1.627 ô/nền, tăng 144% so với quý 2/2023.
Thông tin từ trang Diaocnet.vn cho thấy, theo thông lệ hàng năm, vào quý 4 – quý cuối cùng của năm, dòng tiền từ các nguồn có khả năng sẽ được cải thiện hơn nhờ các khoản đáo hạn vào cuối năm. Thêm vào đó, ở thời điểm hiện tại, một điểm thuận lợi nữa của thị trường hiện nay là mức lãi suất cho vay đã có sự điều chỉnh hợp lý. Điều này phần nào sẽ thúc đẩy quyết định mua nhà của người mua.
Giữa lúc này, thị trường bất động sản đón thêm tin vui khi cuộc họp giữa lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng cùng các ban, ngành, ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản được diễn ra.
Hy vọng hội nghị sẽ mở tiếp “cánh cửa” về tín dụngcho thị trường, dự án bất động sản, để thị trường sôi động trở lại, giúp cho người mua nhà có cơ hội tiếp cận thêm nhiều nguồn cung bất động sản mới với giá cả phù hợp.
Tuấn Minh