- Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) - ông Luis de Guindos vừa lên tiếng cảnh báo trong một cuộc trả lời phỏng vấn với các hãng tin De Standaard và La Libre Belgique số ra ngày hôm qua (29/11) rằng, Liên minh Châu Âu (EU) không nên sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga để giúp tái thiết đất nước Ukraine.
Theo vị quan chức cấp cao của ECB, hành động như vậy có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với đồng tiền chung của châu Âu.
“Chúng ta phải cẩn thận bởi vì điều này có thể dẫn đến tổn hại về mặt danh tiếng. Chúng ta phải nhìn xa hơn cuộc xung đột này và tách cuộc xung đột này ra. Có thể có những hệ lụy đối với đồng euro với tư cách như một loại tiền tệ an toàn. Đồng euro là đồng tiền quan trọng thứ hai trên thế giới và chúng ta phải xem xét danh tiếng lâu dài của nó”, ông De Guindos cảnh báo.
Vị quan chức cấp cao của ECB cũng lưu ý rằng, mặc dù Ngân hàng Trung ương Châu Âu “ủng hộ việc giúp đỡ và hỗ trợ Ukraine bằng mọi cách có thể”, nhưng vẫn có “những cách khác để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine”. Tuy nhiên, ông De Guindos không giải thích thêm.
Tuy nhiên, ông De Guindos không hoàn toàn bác bỏ ý tưởng sử dụng nguồn tiền bị đóng băng của Nga và nói rằng đó “phải là một quyết định toàn cầu, lý tưởng nhất là có sự tham gia của tất cả các thành viên G7”.
EU, Mỹ và các đồng minh của họ đã phong tỏa tài sản có chủ quyền của Nga trị giá khoảng 300 tỷ USD và tài sản thuộc về các cá nhân và tổ chức Nga như một phần của chiến dịch trừng phạt chống lại Moscow vì hoạt động quân sự của nước này ở Ukraine. Các quốc gia phương Tây đã cân nhắc trong nhiều tháng về cách tịch thu số tiền này và quyên góp cho Kiev, bất chấp nhiều cảnh báo rằng các biện pháp như vậy có thể gây nguy hiểm cho uy tín của hệ thống tài chính phương Tây và các đồng tiền phương Tây.
Nga đã nhiều lần chỉ trích việc phong tỏa tài sản của mình là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế, mô tả đây là hành vi trộm cắp.