Giá vàng được dự đoán sẽ đạt mức 2.700 USD/ounce, thậm chí có thể thách thức mức 3.000 USD/ounce (tương đương gần 90 triệu đồng/lượng) vào năm tới.
Chốt phiên giao dịch tuần, giá vàng thế giới đứng ở mức 1.980 USD/ounce, tăng mạnh 42 USD/ounce so với chốt phiên tuần trước. Giá kim loại quý đã tăng phi mã sau khi báo cáo công bố cho thấy áp lực lạm phát giảm đáng kể làm tăng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hoàn thành lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ lần này.
Theo Kitco News, giá vàng thế giới đã vượt qua ngưỡng 2.000 USD/ounce vào cuối tháng 10 và rất có khả năng vàng sẽ đạt mức 2.700 USD/ounce, thậm chí có thể thách thức mức 3.000 USD/ounce (tương đương gần 90 triệu đồng/lượng) vào năm tới.
"Vàng có vẻ đã sẵn sàng tăng giá, với mức giá có thể đạt 2.700 USD/ounce vào năm tới và thậm chí có thể đạt mức 3.000 USD", chuyên gia phân tích thị trường Dominic Frisby - nhà sáng lập FlyingFrisby.com dự báo.
Trước đó, một số tổ chức cũng dự báo rằng, vàng có thể sớm tăng lên mức kỷ lục 3.300 USD/ounce, tương đương năm 1980, khi lạm phát tăng phi mã do ảnh hưởng của giá dầu và bất ổn ở Trung Đông.
Một số quỹ vàng cũng nhận định, vàng sẽ bước vào một "thị trường giá lên mới", với mức giá vượt quá 2.100 USD/ounce ngay trong năm nay. Thực tế, trong vài phiên gần đây, giá vàng tăng vọt và đang trở lại ngưỡng 2.000 USD/ounce.
Giá vàng được dự đoán sẽ đạt mức 2.700 USD/ounce. Ảnh minh họa. |
Nhận định trên Kitco News, chuyên gia John Ing của Maison Placements Canada - một trong những công ty đầu tư lâu đời nhất ở Toronto, cho rằng, các nhà đầu tư muốn sở hữu vàng khi Mỹ phải đối mặt với việc tính toán nợ. Vàng có thể là tài sản tốt để sở hữu khi thế giới phải đối mặt với những mối đe dọa đáng kể trong cuối năm nay và năm tới.
Lạm phát gia tăng, tình trạng phi đô la hóa, rủi ro địa chính trị gia tăng, nợ toàn cầu và sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy là những yếu tố mang lại bối cảnh tích cực cho vàng.
Theo chuyên gia John Ing, yếu tố lớn nhất đằng sau hầu hết các mối đe dọa kinh tế toàn cầu là vấn đề nợ ngày càng tăng ở Mỹ. Kể từ năm 2008, nguồn cung trái phiếu kho bạc đã tăng gấp 5 lần lên hơn 25.000 tỷ USD. Năm tài chính này chứng kiến thâm hụt chi tiêu ở Mỹ tăng thêm 1.700 tỷ USD, đẩy khoản nợ lên tới 33.000 tỷ USD. "Mỹ phải đối mặt với việc tính toán nợ," chuyên gia John Ing cảnh báo.
Cùng với đó là thế giới bắt đầu rạn nứt khi đối mặt với hai cuộc xung đột lớn là Nga - Ukraine và Israel - Hamas. Khi thế giới bất ổn thì vàng thường được coi là tài sản trú ẩn an toàn. Các nhà đầu tư có thể sẽ mua vàng vì nó được cho là sẽ giúp họ bảo toàn vốn.
Các nước chạy đua mua vàng
Chia sẻ trên Kitco News, chuyên gia phân tích thị trường Dominic Frisby - nhà sáng lập FlyingFrisby.com, cho biết Trung Quốc đang tăng mua vàng rất mạnh theo từng tháng và trở thành quốc gia dẫn đầu tích lũy dự trữ vàng trên thế giới.
Dữ liệu mới nhất của Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho thấy, Trung Quốc đã liên tục mua vàng trong 12 tháng liên tiếp vừa qua. Tính đến tháng 10/2023, Trung Quốc đã mua 2.215 tấn vàng. Trung Quốc gần đây nằm trong số những quốc gia dự trữ vàng lớn nhất trong năm 2023 - được coi là một năm mua vàng kỷ lục của ngân hàng trung ương nước này.
Mặc dù dẫn đầu về lượng vàng tích lũy và nhập khẩu vượt trội từ đầu năm tới nay, nhưng ông Dominic Frisby - chuyên gia phân tích vàng và người sáng lập tạp chí The Flying Frisby, tiết lộ với Kitco News rằng, lượng vàng mà Trung Quốc nắm giữ thực tế lớn hơn rất nhiều so với con số công bố.
Ông Dominic Frisby cho rằng, Trung Quốc có thể đang nắm giữ 33.000 tấn vàng, tương đương khoảng 2.086 tỷ USD. Con số này cao gấp khoảng 15 lần so với con số mà WGC đưa ra dựa trên những số liệu được chính Trung Quốc công bố.
Không chỉ Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương nhiều nước khác cũng đẩy mạnh mua vàng trong bối cảnh thế giới bất định, khủng hoảng địa chính trị xảy ra ở nhiều khu vực trên thế giới, thị trường chứng khoán nhiều nước chao đảo. Dòng tiền tìm đến các kênh an toàn, trong đó có đồng USD và vàng.
Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nâng dự báo cho rằng Ngân hàng Trung ương các nước sẽ thiết lập một kỷ lục mua ròng vàng mới trong năm nay, cao hơn kỷ lục của năm 2022. Trong 10 tháng, các nước đã mua 800 tấn vàng, trị giá gần 51 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong cả năm 2022, các ông lớn này đã mua một lượng vàng kỷ lục 1.135 tấn.
State Street Global Advisors, công ty quản lý tài sản lớn thứ 4 thế giới, mới đây tuyên bố rằng các Ngân hàng Trung ương dự kiến sẽ tiếp tục mua vàng. Công ty cho biết xu hướng mua vàng sẽ tiếp tục khi các quốc gia tìm cách thoát khỏi "sự tập trung quá mức" dự trữ đồng USD.
Giá vàng trong nước giao dịch lình xình
Tại thị trường trong nước, trong khi giá vàng thế giới hầu hết đi lên trong các phiên giao dịch tuần này, giá vàng trong nước giao dịch lình xình quanh 70,5 triệu đồng/lượng.
Đóng cửa phiên cuối tuần 18/11, tại thị trường Hà Nội, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 69,95 - 70,77 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên trước đó.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 69,95 - 70,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên ở chiều mua vào và giảm 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên trước đó.
Tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 70 - 70,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên trước đó.
Trước đó, giá vàng trong nước liên tục đảo chiều tăng - giảm từ đầu tuần 13/11 đến cuối tuần, với biên độ từ 100 - 300 nghìn đồng/lượng. Với mức giao dịch này, tính chung tuần qua, giá vàng trong nước tăng 550 nghìn đồng/lượng, tương đương 0,8% giá trị. Cùng lúc, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới tăng khoảng 2,2%.
Theo VTV
https://vtv.vn/kinh-te/du-bao-soc-gia-vang-se-tien-sat-moc-90-trieu-dong-luong-20231119110453144.htm