- Lãnh đạo Vietcombank cho rằng, các chủ đầu tư cần nâng cao năng lực tài chính, thực hiện đúng cam kết với người mua nhà, tập trung vào phân khúc nhu cầu thực… thì mới tạo niềm tin được với các ngân hàng.
Như chúng tôi đã đưa tin, sáng nay, loạt “ông lớn” bất động sản, gồm: Vingroup, Sungroup, Novaland, Hưng Thịnh, Sunshine, Ecopark… đã họp với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về phát triển thị trường bất động sản.
Tại hội nghị này, vấn đề khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp bất động sản, dự án bất động sản tiếp tục là chủ đề nóng được nhiều doanh nghiệp đề cập.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh chia sẻ, doanh nghiệp vừa được LPBank cấp hạn mức cho vay 5.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã giúp tháo gỡ nút thắt về vốn cho các doanh nghiệp trong Tập đoàn và hàng trăm nhà thầu tại các dự án đang dang dở.
Ông Cường cho biết, đã lên kế hoạch đưa dòng tiền này vào trực tiếp các dự án, triển khai xây dựng và sản xuất - kinh doanh, tạo ra hàng chục ngàn công ăn việc làm, tạo ra các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thực của người ở thực với giá cả phù hợp, vừa túi tiền. Nhiều ngành nghề phụ trợ cũng đang chờ dòng tiền này để tiếp tục sản xuất - kinh doanh.
Tuy nhiên, doanh nghiệp lại gặp khó vì pháp lý các dự án đang triển khai kéo dài. Vì vậy, mong muốn các ngân hàng đơn giản hóa các điều kiện cho vay các dự án, đồng thời kéo dài thời gian cho vay hơn so với bình thường để có thêm thời gian xoay sở trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
“Chúng tôi tin rằng, khi dòng vốn đi trực tiếp vào sản xuất - kinh doanh sẽ góp phần khôi phục lại và thúc đẩy hoạt động của thị trường BĐS, giải quyết công ăn việc làm và tạo ra sự phát triển kinh tế- xã hội ổn định”, ông Cường bày tỏ.
Quang cảnh hội nghị sáng nay. Ảnh:sbv |
Tham gia phát biểu nêu ý kiến, đại diện Novaland cũng cho biết, Tập đoàn đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án và tiếp cận vốn tín dụng.
Doanh nghiệp này đề nghị Thủ tưởng Chính phủ chỉ đạo sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 44/2014/NĐ-CP nhằm có phương án cuối cùng trong quản lý sử dụng đất; tính tiền sử dụng đất tại các dự án của Novaland và các dự án đang ách tắc trên cả nước. Đồng thời, mong muốn có chính sách giảm thuế và giãn thuế TNDN cho các doanh nghiệp bất động sản để tháo gỡ khó khăn và tập trung ổn định kinh doanh trong 3 năm (2022, 2023 và 2024).
Ngoài ra, đại diện Novaland cũng đề nghị NHNN và Chính phủ đồng lòng hỗ trợ trong việc cơ cấu khoản vay và giảm lãi suất cho những dự án sẽ triển khai trong 2 năm tới (năm 2024 và 2025) để giãn dòng thanh toán cho doanh nghiệp.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MB cho rằng, về thủ tục thẩm định cho vay, ngân hàng là ngành kinh doanh rủi ro nên bắt buộc phải thẩm định kỹ thủ tục, do đó thời gian có thể kéo dài hơn. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp cần phối hợp với ngân hàng cùng tháo gỡ, cung cấp đầy đủ hồ sơ.
Theo ông Ánh, về nguyên tắc, doanh nghiệp khi gửi hồ sơ cho ngân hàng đều gửi những thông tin tích cực, còn ngân hàng thì luôn tìm kiếm những gì chưa được phô ra để quản trị rủi ro. Do vậy, hai bên cần hợp tác làm thế nào nhanh nhất có thể.
“Về phần ngân hàng, chúng tôi luôn chia sẻ phối hợp giải quyết khó khăn với doanh nghiệp. Ngân hàng cũng chưa có bất kỳ chính sách nào siết chặt thị trường cho vay BĐS, thậm chí còn mở rộng cho vay khách hàng cá nhân mua. Vướng mắc lớn nhất của người tiêu dùng hiện nay là niềm tin”, ông Ánh nói.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, hiện nay thị trường bất động sản đang có một số bất cập. Thứ nhất, dự án nhà ở xã hội khan hiếm, một số dự án không bán được, nguyên nhân là do đối tượng mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được quy định quá chặt chẽ, ít đối tượng, các đối tượng thỏa mãn điều kiện lại khó chứng minh khả năng trả nợ khi vay vốn ngân hàng.
Thứ hai, cơ cấu thị BĐS chưa cân đối, thiếu phân khúc nhà ở có giá cả phù hợp với thu nhập người dân. Từ đầu năm đến nay, lãi vay đã giảm 2,5% nhưng giá nhà không giảm, thậm chí còn tăng.
Thứ ba, người mua nhà còn có tâm lý chờ đợi giá xuống hoặc chưa có điều kiện mua nhà. Vietcombank có danh mục khách hàng cá nhân rất tốt, song từ đầu năm đến nay, lượng tiền gửi vẫn chảy vào ngân hàng bất chấp lãi suất thấp. Trong khi đó, dư nợ vay mua nhà lại liên tục sụt giảm.
Về ý kiến lãi suất cho vay một số ngân hàng còn cao, ông Tùng cho hay, lãi vay phụ thuộc vào năng lực tài chính mỗi ngân hàng. Tinh thần chung các ngân hàng đều giảm lãi suất cho vay, song việc giảm đến đâu còn phụ thuộc vào cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng, nếu cơ cấu nguồn vốn giá cao thì phải cho vay lãi suất cao. Bên cạnh đó, các ngân hàng có nợ xấu cao, phải trích lập dự phòng lớn thì giá vốn cũng bị đẩy lên cao, dẫn tới lãi suất cho vay cao.
“Các chủ đầu tư cần nâng cao năng lực tài chính, thực hiện đúng cam kết với người mua nhà, tập trung vào phân khúc nhu cầu thực… thì mới tạo niềm tin được với các ngân hàng”, ông Tùng
Tuấn Minh