- Dịch vụ công trực tuyến triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng trong đó cơ bản hoàn thành việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, số hóa hơn 79% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Ngày 10/11/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị Thúc đẩy chuyển đổi số tại Bộ Công Thương.
Quyết liệt triển khai các biện pháp chuyển đổi số
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của Chuyển đổi số trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã quyết liệt triển khai, nhằm tạo nền tảng cho môi trường số văn minh, hiện đại và hiệu quả trên mọi lĩnh vực.
Tại Quyết định số 165/QĐ-TTg, ngày 28/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 đã quy định rõ nhiệm vụ chuyển đối số của ngành. Đây là nhiệm vụ nhưng cũng là giải pháp để giải quyết điểm nghẽn trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy và tổ chức Đảng, quản lý, điều hành của Bộ và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thực hiện Đề án này, ngày 13/7/2023, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã ban hành Nghị quyết số 111-NQ/BCSĐ về chuyển đối số của Bộ cũng như kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên |
Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh đã trình bày báo cáo về việc đẩy mạnh chuyển đổi số tại Bộ Công Thương trong thời gian vừa qua. Theo đó, thời gian qua, công tác chuyển đổi số tại Bộ Công Thương đã đạt được những kết quả hết sức đáng khích lệ. Cụ thể là, nhận thức và hành động về chuyển đổi số tại các đơn vị thuộc Bộ đã có chuyển biến tích cực; Đã xây dựng, ban hành các đề án, chiến lược, kế hoạch về chuyển đổi số của Bộ Công Thương; Hạ tầng số được tăng cường đầu tư; Cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ điện tử được quan tâm đầu tư; Dịch vụ công trực tuyến triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng trong đó cơ bản hoàn thành việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, số hóa hơn 79% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; An ninh, an toàn thông tin tiếp tục được chú trọng; Kết nối Cổng dịch vụ công của Bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai cơ chế Một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN.
Cũng tại Hội nghị, các đơn vị đã báo cáo kết quả thực hiện chuyển đổi số tại đơn vị mình, đồng thời đề xuất các giải pháp, kiến nghị để thúc đẩy hơn nữa nhiệm vụ này trong thời gian tới.
Tại Tổng cục Quản lý thị trường, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường Trần Hữu Linh cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin luôn là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của Tổng cục Quản lý thị trường. Từ năm 2022, Tổng cục đã đưa vào vận hành Hệ thống xử lý vi phạm hành chính - INS trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các hành vi vi phạm. “Đây được coi là cuộc cách mạng trong chuyển đổi số của lực lượng Quản lý thị trường. Thời gian tới, Tổng cục sẽ triển khai chữ ký số; mọi công văn, giấy tờ sẽ được triển khai trên nền tảng số, sử dụng công nghệ thông tin, hạn chế mức thấp nhất các văn bản giấy...” – Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho hay.
Triển khai đồng bộ các nhiêm vụ
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên biểu dương và ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, sở dĩ vẫn còn tồn tại những hạn chế đó là do sự phối hợp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ giữa các đơn vị trong Bộ còn chưa chặt chẽ, đồng nhất; Năng lực, trình độ chuyên môn, ý thức trách nhiệm chưa cao; tính gương mẫu của người đứng đầu chưa thực sự tốt; công tác kiểm tra, giám sát của cấp trên-cấp dưới, của cơ quan kiểm tra thường trực với các cơ quan thuộc Bộ cũng chưa có nhiều cải thiện...
Do vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác Chuyển đổi số tại Bộ Công Thương trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo các đơn vị trong Bộ tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các chỉ đạo của Ban cán sự, Lãnh đạo Bộ trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Theo đó, các đơn vị chú trọng đến công tác cập nhật cơ sở dữ liệu; đề xuất nhu cầu, trang thiết bị, công nghệ để phục vụ công tác Chuyển đổi số; khẩn trương triển khai thực hiện các hạng mục của Đề án phát triển dịch vụ điện tử tại các đơn vị thuộc Bộ theo đúng kế hoạch.
Bộ trưởng yêu cầu tất cả các đơn vị thuộc Bộ cần tích cực, chủ động cung cấp thông tin, để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ nhằm phục vụ việc triển khai Chính phủ điện tử. Cụ thể, tất cả các đơn vị phải đưa ra yêu cầu quản lý của đơn vị mình gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số trước ngày 30/11/2023 để tổng hợp và đề xuất với Lãnh đạo Bộ xây dựng Chương trình tổng thể trước ngày 15/12. “Đây là nhiệm vụ hết sức nóng bỏng, do vậy các đơn vị trong Bộ phải quyết tâm thực hiện” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Yến Nhi