- Là sản phẩm độc hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng thế nhưng thuốc lá điện tử đang ngày càng phổ biến đối với trẻ vị thành niên, đặc biệt là trẻ em. Nhiều phụ huynh bày tỏ sự quan ngại đồng thời đề xuất cấm hoàn toàn sản phẩm nói trên để có thể bảo vệ sức khỏe và tương lai của con em mình.
Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra tác hại của thuốc lá điện tử (TLĐT) đối với sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của người sử dụng. Thực tế cũng chứng minh điều tương tự khi mà đầu tháng 4 năm nay, 4 học sinh của trường THPT Hà Đông (Hà Nội) phải nhập viện cấp cứu vì liên quan đến thuốc lá điện tử (TLĐT). Cuối tháng 9/2022, một nữ sinh 14 tuổi ở Lạng Sơn suýt mất mạng sau khi thử hút TLĐT của bạn học. Tháng 7/2022, một nữ sinh viên 20 tuổi ở Hà Nội rơi vào hôn mê sâu, tổn thương não, tổn thương gan... cũng do loại thuốc lá thế hệ mới này.
Bệnh nhân cấp cứu do ngộ độc ma túy có trong thuốc lá điện tử (Ảnh: Vietnamnet) |
Đây chỉ là số ít trong rất nhiều vụ việc thương tâm do hậu quả của sử dụng thuốc lá điện tử. Theo Điều tra sức khỏe học đường toàn cầu (GSHS) 2019, ở Việt Nam, tỷ lệ học sinh từ 13-17 tuổi bắt đầu sử dụng các sản phẩm này đã ở mức 2,57%. Cùng với đó, Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế năm 2020 chỉ ra rằng tỷ lệ sử dụng TLĐT đặc biệt cao tại các thành phố lớn, riêng tại Hà Nội, tỷ lệ sử dụng TLĐT ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nam là 12,39%, nữ là 4,8%)
Những con số đáng báo động này đang khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng, tìm cách bảo vệ con em mình khỏi “trào lưu” độc hại này.
Bài học từ quản lý thuốc lá truyền thống
Không khó để học sinh có thể tìm thấy TLĐT với hình dạng được ngụy trang khéo léo đang bày bán trong các cửa hàng có thiết kế hiện đại, chạy chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Vì vậy, nhiều phụ huynh càng bày tỏ sự quan ngại trước đề xuất cho phép lưu hành thuốc lá mới (trong đó có TLĐT) giống như cách đang làm với thuốc lá truyền thống (TLTT) liệu có khiến tỷ lệ sử dụng trong giới trẻ tăng vọt.
Đối với TLTT, hiện nay, luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định cấm bán thuốc lá phía ngoài cổng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học trong phạm vi 100m tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó và cấm quảng cáo thuốc lá dưới mọi hình thức, cấm bán cho trẻ dưới 18 tuổi.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu về các vi phạm trong hoạt động bán, quảng cáo và khuyến mại thuốc lá xung quanh trường học (được thực hiện tại 210 trường học ở các quận trung tâm ở Hà Nội và TPHCM) của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển cho thấy: Trong phạm vi bán kính 100m xung quanh trường học, các điểm bán thuốc lá xuất hiện dày đặc. Có tổng cộng 2.670 điểm bán thuốc lá trong phạm vi bán kính 100m được phát hiện xung quanh các trường học được nghiên cứu. Trung bình có 12,7 điểm bán lẻ thuốc lá xung quanh mỗi trường. Trong đó, các điểm bán thuốc lá phổ biến nhất là ven đường, cửa hàng tạp hóa và quán cà phê. Bất chấp luật cấm, trẻ dưới 18 tuổi vẫn có thể mua và dùng các sản phẩm TLTT.
Một cửa hàng bán TLĐT trên phố Phùng Hưng có thiết kế hiện đại, chạy chương trình khuyến mãi hấp dẫn thu hút khách hàng (Ảnh: PV) |
Chị Phạm Phương Thảo (quận Long Biên, Hà Nội, có hai con học lớp 10 và lớp 7) chia sẻ: “Nếu tình trạng tương tự TLTT xảy ra với TLĐT thì sao? Hiện nay, khi chưa công nhận TLĐT thì các cửa hàng bán sản phẩm này đã có mặt ở khắp nơi, kể cả các con phố chính hay cạnh trường học. Cửa hàng được thiết kế hiện đại trông như cửa hàng công nghệ hoặc quán cà phê để lôi kéo các con. Nếu TLĐT, thuốc lá mới được cho phép lưu hành như TLTT các cửa hàng bán TLĐT sẽ mọc lên như nấm, làm thế nào để kiểm soát trẻ em sẽ tránh xa các sản phẩm này?”
Ủng hộ cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử
Ở cương vị phụ huynh, chị Thảo rất lo lắng khi việc sử dụng TLĐT đang dần trở thành một trào lưu của giới trẻ. Chị cho rằng, TLĐT cần bị cấm hoàn toàn để giảm thiểu tối đa khả năng tiếp cận và gây ảnh hưởng tới học sinh: “Mong rằng thuốc lá mới sớm bị loại bỏ khỏi môi trường học đường để các con yên tâm học tập”.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Hương - giáo viên trường THPT Kim Liên (Hà Nội) - cũng ủng hộ việc cấm TLĐT trong môi trường học đường nói riêng và toàn xã hội nói chung. “Tôi nghĩ ngoài ban hành luật cấm, nhà trường, gia đình đồng hành cùng học sinh, con em mình cũng là điều quan trọng. Cha mẹ cần nắm bắt tâm sinh lý của con, thường xuyên quan tâm, trò chuyện với con để sớm phát hiện khi thấy con có biểu hiện lạ do sử dụng TLĐT”, chị nói.
Ngoài ra, giới trẻ nên học cách tự bảo vệ mình khỏi sự “xâm nhập” của TLĐT trong học đường. Khi có đủ nhận thức và tâm lý vững vàng, rất khó để các bạn trẻ bị lôi kéo vào những hoạt động tương tự.
Cần tăng cường các hoạt động giáo dục trẻ về tác hại và “hiểm họa” từ thuốc lá điện tử (Ảnh: PTLC Wellspring) |
PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia tâm lý học, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam khuyến cáo: “Có nhiều cách để đời sống học đường vui vẻ, hạnh phúc hơn là sử dụng các chất gây hại đem lại cảm giác thoải mái tức thời nhưng để lại hậu quả lâu dài cho sức khỏe”.