Mới đây, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty hàng hải và tàu vận chuyển dầu của Nga có giá vượt mức trần của G7.
Trong thông báo, Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ trừng phạt 3 công ty có trụ sở ở UAE là Kazan Shipping Incorporated, Progress Shipping Company Limited và Gallion Navigation Incorporated.
Cụ thể, Mỹ cáo buộc tàu của 3 công ty này tham gia vào hoạt động chở dầu thô Nga có giá bán trên mức trần. Lệnh cấm yêu cầu các công ty phương Tây không cung cấp dịch vụ bảo hiểm, cho vay và vận chuyển dầu Nga xuất khẩu bằng đường biển, nếu giá bán vượt mức trần.
Theo lệnh trừng phạt, các tài sản ở Mỹ của các công ty trên sẽ bị phong tỏa. Người Mỹ cũng sẽ bị cấm giao dịch với những doanh nghiệp này. Giới chức Mỹ cho rằng lệnh cấm này sẽ vẫn giúp dầu thô Nga được đưa ra thị trường, nhưng hạn chế được nguồn thu từ xuất khẩu dầu của nước này.
Năm ngoái, G7 và Australia đã thống nhất áp trần giá bán dầu Nga tại 60 USD/thùng. Mục tiêu là hạn chế nguồn thu của Nga từ xuất khẩu dầu thô, sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
Dù trần giá đã được áp dụng suốt thời gian qua nhưng việc giá dầu vẫn tiếp tục tăng cao và số công ty sẵn sàng chở dầu Nga tăng lên cũng đồng nghĩa phần lớn dầu Nga hiện được giao dịch trên giá trần.
Hồi tháng 10, Mỹ cũng đã từng áp đặt các lệnh trừng phạt đối với chủ tàu chở dầu chở dầu của Nga có giá cao hơn mức trần (Ảnh: Reuters). |
"Các công ty vận tải và tàu tham gia vận chuyển dầu mỏ của Nga nhưng lại sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp thuộc các nước tham gia áp trần. Họ cần hiểu rằng chúng tôi sẽ buộc họ phải tuân thủ", Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo nhấn mạnh trong thông báo.
Giá dầu toàn cầu đã tăng lên khoảng 85 USD/thùng trong những tháng gần đây do sản lượng cắt giảm và năng lực sản xuất dự phòng trên thế giới hạn chế.
Giá dầu Brent năm nay có thời điểm tiến sát 100 USD/thùng do OPEC+ siết cung. Điều này cũng góp phần làm hạn chế tác động của giá trần. Dù vậy, nguồn tin thân cận của Reuters cho biết các nước có thể siết thêm nhằm quy định giá trần hiệu quả hơn.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm từ dầu của Nga giảm 70.000 thùng/ngày trong tháng 10, về mức 7,5 triệu thùng/ngày.
IEA cũng ước tính nguồn thu từ xuất khẩu của Nga giảm 25 triệu USD, xuống còn 18,34 tỷ USD. Dù vậy, giá dầu thô và các sản phẩm từ dầu của Nga chủ yếu vẫn trên mức giá trần.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/cac-cong-ty-cho-dau-nga-bi-my-trung-phat-20231118211425244.htm