- Tờ Bloomberg đưa tin, sự trỗi dậy nhanh chóng của nhóm BRICS đang làm thay đổi nền kinh tế toàn cầu, với tỷ trọng của nhóm này trong GDP thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP) sẽ vượt xa tỷ trọng của các nền kinh tế tiên tiến lớn của nhóm 7 quốc gia pháp triển - G7.
BRICS hiện bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, nhưng nhóm này sẽ có sự tham gia của Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả-rập Xê-út và Các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) vào tháng 1 tới.
Câu lạc bộ G7 gồm các nước công nghiệp phát triển là Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Italia, Đức và Nhật Bản.
Bloomberg chỉ ra rằng BRICS mở rộng đã lớn hơn G7. Năm 2022, khối này chiếm 36% nền kinh tế toàn cầu, so với 30% của nhóm nền kinh tế tiên tiến.
“Dự báo của chúng tôi cho thấy lực lượng lao động ngày càng mở rộng và dư địa để bắt kịp công nghệ sẽ nâng tỷ trọng BRICS+ lên 45% vào năm 2040, so với 21% của các nền kinh tế G7. Trên thực tế, BRICS+ và G7 sẽ hoán đổi vị trí cho nhau về quy mô trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2040,” tờ Bloomberg nhận định.
Tờ báo này cũng chỉ ra rằng nhóm kinh tế BRICS mở rộng sẽ bao gồm một số nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, cụ thể là Ả-rập Xê-út, Nga, UAE và Iran, cũng như một số nhà nhập khẩu lớn nhất của thế giới - Trung Quốc và Ấn Độ.
“Nếu BRICS thành công trong việc chuyển một số giao dịch dầu mỏ sang các loại tiền tệ khác, điều đó có thể có tác động dây chuyền đến tỷ trọng của đồng đô la trong thương mại quốc tế và dự trữ ngoại hối toàn cầu”, bài báo trên tờ Bloomberg cho hay đồng thời nhấn mạnh thêm rằng các thành viên trong nhóm BRICS đã tích cực đẩy mạnh tiến trình từ bỏ đồng bạc xanh trong giao dịch của họ.
Trong khi nhấn mạnh những lợi thế của BRICS, chẳng hạn như quy mô, sự đa dạng và tham vọng của nhóm, bài báo của Bloomberg cũng chỉ ra một số thách thức mà nhóm này phải đối mặt, bao gồm suy thoái kinh tế của Trung Quốc, khả năng không thể thoát khỏi đồng petrodollar trong tương lai gần, cũng như sự 'miễn cưỡng' trong việc thúc đẩy một đồng tiền chung.
Bloomberg kết luận: “BRICS sẽ thay đổi thế giới, nhưng có lẽ nguyên nhân là do tỷ trọng GDP ngày càng tăng và hệ thống kinh tế và chính trị khác nhau của họ hơn là thông qua việc hiện thực hóa các kế hoạch lớn của các nhà hoạch định chính sách”.